Trước khi trả lời, tôi hỏi lại bạn sinh viên:

-  Thế vì sao em chọn học nghề báo?

- Thưa thầy, trước khi vào trường, em nghe nói nhà báo chỉ cần “khua môi múa mép” là có thể cầm tiền triệu trong tay, vì thế em chọn nghề này-sinh viên thành thực trả lời.

Tôi nói với bạn sinh viên và cả lớp rằng: Có thể một số bạn đã sai lầm khi chọn nghề báo bởi lẽ so với nhiều nghề khác, nhà báo rất khó làm giàu nếu làm nghề chân chính. Cách đây 10 năm (năm 2012), Forbes-một tạp chí nổi tiếng ở Mỹ đã xếp hạng nghề báo là một trong 5 nghề nghèo về thu nhập tài chính nhất, thậm chí còn tệ hơn cả nghề bồi bàn.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TTXVN 

Thực tế tại Việt Nam, với mức lương và nhuận bút đang thực hiện ở nhiều cơ quan báo chí thì thu nhập của nhà báo dưới 10 triệu đồng/tháng là phổ biến. Nhà báo ở nhà thuê, đi xe máy cũ, dùng điện thoại rẻ tiền là bình thường. Nhưng cũng có nhà báo đi xe ô tô đắt tiền, ở nhà lầu, dùng smartphone hạng sang. Thu nhập của họ từ đâu? Có nhà báo làm thêm từ việc “cày cuốc” cho nhiều tờ báo, làm tư vấn, bán hàng online... Cũng có nhà báo viết bài mang tính quảng cáo “tâng bốc” để nhận thù lao ngoài tòa soạn. Có nhà báo đi “đánh đấm”, tạo sức ép cho doanh nghiệp để ký hợp đồng quảng cáo. Thậm chí có nhà báo còn đi đe dọa các đơn vị và người bị "tố cáo" để “khủng bố”, vòi tiền đã bị bắt quả tang phải ngồi tù.

Tôi đã khuyên các bạn sinh viên, trước khi trở thành nhà báo phải là một công dân tốt. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, nhà báo có những quyền năng mà ngành nghề khác không thể có được. Tuy nhiên, nếu sử dụng quyền năng này không đúng nơi, đúng chỗ thì rất có thể nhà báo sẽ vi phạm pháp luật. Nghề báo là một nghề cao quý nhưng sự cao quý đó chỉ để dành cho những nhà báo có chuẩn mực về đạo đức, lối sống và bản lĩnh nghề nghiệp.

Tin vui đến với những người làm báo chân chính cả nước. Trong buổi gặp mặt lãnh đạo một số cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ về những khó khăn mà báo chí, những người làm báo nước nhà đang trải qua như về chế độ chính sách đối với người làm báo; cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp của báo chí; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm báo... “Chính phủ ủng hộ và nỗ lực để tăng cường tiềm lực cho báo chí, theo thẩm quyền; đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của đất nước, nằm trong tổng thể chung của các ngành nghề"- Thủ tướng khẳng định.

Ngày hôm nay (21-6), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Một trong những nội dung thi đua hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, ứng xử văn hóa trong tác nghiệp, xây dựng người làm báo văn hóa.

Hy vọng, những người làm báo chân chính sẽ từng bước được cải thiện đời sống và qua đợt thi đua này sẽ sàng lọc đội ngũ những người làm báo, loại khỏi đội ngũ những người làm giàu bất chính.

ĐỖ PHÚ THỌ