Trong 3 quý đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Mặc dù vậy, bước vào giai đoạn cuối năm, những yếu tố tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ xuất hiện ngày càng rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên cung-cầu thị trường.
Mặc dù CPI tăng thấp nhưng đáng lưu ý là các chỉ số giá về sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giá xuất khẩu, nhập khẩu trong 9 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
 |
Bước vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng gia tăng. Ảnh chụp trước tháng 4-2021: http://thanglong.chinhphu.vn/ |
Minh chứng rõ nhất là giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng cao do ảnh hưởng của việc giá dầu thế giới “lập đỉnh”. Nhiên liệu là đầu vào của hầu hết lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ trọng lớn trong giá cước vận tải, do vậy, sẽ tạo áp lực tăng giá đến nhiều hàng hóa, dịch vụ.
Chi phí gia tăng gồm cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất và thực hiện các yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tác động đến giá thành sản phẩm.
Điều này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi, tiếp cận thị trường của doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Kinh nghiệm của một số nước mở cửa trở lại sau thời gian chống chọi với dịch bệnh cho thấy, lạm phát gia tăng khi chuỗi cung ứng bị đình trệ, đẩy giá cả lên cao, trong khi thu nhập của người lao động không theo kịp.
Kinh tế nước ta dự báo sẽ từng bước lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV-2021 song hành với các kết quả phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tăng trưởng chỉ có ý nghĩa khi kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, CPI tiếp tục trong tầm kiểm soát. Từ góc độ xã hội, giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Trong điều kiện một bộ phận dân cư đang đối mặt với không ít khó khăn sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giữ được giá cả bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu sẽ góp phần thiết thực để bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn nhận rõ những áp lực tăng giá sẽ là cơ sở để đưa ra giải pháp phù hợp giúp tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế biến động giá bất thường ở một số mặt hàng thiết yếu.
Vì vậy, không chỉ những tháng cuối năm mà cả trong giai đoạn thích ứng và phục hồi sau đại dịch, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục được thực hiện thận trọng, linh hoạt, chủ động.
Trong đó, cần phát huy hơn nữa các công cụ hỗ trợ như quỹ bình ổn giá xăng, dầu, tránh tăng giá với biên độ lớn, gây tác động dây chuyền đến sản xuất, dịch vụ.
Bảo đảm cung-cầu cũng là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Muốn như vậy, cần gỡ bỏ những rào cản cho sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát huy được năng lực, cung ứng hàng hóa dồi dào ra thị trường.
Chú trọng điều tiết nguồn hàng đến các vùng, miền trên cả nước, tránh thiếu hụt cục bộ ở một số nơi, nhất là những địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, cập nhật tình hình thị trường cần bám sát thực tế, nắm vững diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời có biện pháp can thiệp.
Đồng thời, cần ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo “sốt ảo” để trục lợi. Bình ổn giá cũng chính là ổn định tâm lý người tiêu dùng, rộng hơn là bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, tạo nền tảng cho sự bứt phá, vươn lên của kinh tế đất nước.
ĐỖ MẠNH HƯNG