Tuy nhiên, điều đáng nói là khá nhiều đơn thư vẫn có nội dung cũ, photocopy từ những năm trước, của cùng một người gửi, được gửi đến nhiều cơ quan Trung ương và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ... Thực tế này cũng xảy ra ở nhiều cơ quan Trung ương. Nhiều sự việc không liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo, nhưng vẫn được người gửi photocopy đơn thư, chuyển đến hàng loạt. Điều này vừa gây khó khăn, phiền phức cho các cơ quan, vừa tốn kém, lãng phí cho chính người gửi đơn.
 |
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, một số cán bộ, cơ quan phụ trách tiếp dân, giải quyết đơn thư còn thiếu trách nhiệm, máy móc, cá biệt có nơi còn vô cảm. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 diễn ra ngày 28 và 29-12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ rõ: Tình trạng người dân kéo về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khiếu kiện quá nhiều là do chính quyền các địa phương không chịu đối thoại với dân, không đặt người khiếu nại vào nhiệm vụ giải quyết của mình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, trong việc tiếp dân, xử lý đơn thư, “phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm công tác này phải vừa là tai mắt của trên, vừa là người bạn của dưới.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nêu rõ: Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về người đứng đầu. Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội gần đây, không phải ngẫu nhiên mà có đại biểu kiến nghị: Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trong tiếp và giải quyết kiến nghị của công dân; đồng thời tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, xử lý nghiêm minh, kịp thời cán bộ, công chức sai phạm. Gần đây, nhiều địa phương đã có những quy định hết sức cụ thể về thời gian tiếp công dân của người đứng đầu. Ví như tại Hưng Yên, UBND tỉnh và cấp huyện thành lập Ban Tiếp công dân; chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân 1 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân 2 ngày/tháng. Nhờ đó, nhiều vấn đề người dân phản ánh được chính quyền các cấp giải quyết kịp thời.
Để giảm đơn thư khiếu kiện kéo dài, cần phải có giải pháp “hai chiều”, cả phía cơ quan công quyền và người dân. Các cơ quan tiếp dân, cơ quan pháp luật vừa phải lắng nghe dân, nắm vững tình hình để xử lý nhanh, nhưng còn phải biết tham mưu cho cấp có thẩm quyền để giải quyết thấu đáo, mà không chỉ dừng ở "chuyển đơn" một cách đơn thuần. Cán bộ có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm các quy định về tiếp dân, không nên ủy quyền cho cấp phó hoặc tiếp dân một cách qua loa, hình thức; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với dân, chú trọng giải quyết ngay từ cơ sở. Đối với người dân, cần nâng cao hiểu biết pháp luật; khiếu nại, tố cáo phải đúng pháp luật; biết sử dụng các kênh hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể, các đơn vị hỗ trợ, tư vấn pháp lý... Điều đặc biệt là người dân cần đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề khiếu kiện kích động, gây rối, phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN