Xong đèo nhau đi hết nhà nọ sang nhà kia, cũng chẳng mũ nón (mũ bảo hiểm) gì nữa. Từ chối thì không tiện mà uống xong mệt hơn đi làm”. Không chỉ bạn tôi, mà dường như đã thành lệ, nghỉ lễ là dịp để mở tiệc chén chú, chén anh. Chả vậy mà sau mỗi kỳ nghỉ, tai nạn và vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia được ghi nhận lại tăng cao.
Sau thời gian dài quán xá đóng cửa, hoạt động giao thông bị giới hạn vì Covid-19 đã hạn chế phần nào tình trạng này. Thế nhưng kể từ khi bình thường mới, thực tế nhức nhối này lại gia tăng trở lại. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính riêng trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, rồi dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, một trong những lỗi bị xử lý nhiều nhất là vi phạm về nồng độ cồn.
 |
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Pháp luật đã có những hình thức xử phạt nặng với những người uống rượu bia khi tham gia giao thông nhằm ngăn ngừa thói quen lạm dụng rượu bia quay trở lại khi bình thường mới. Thậm chí, chính sách thuế cũng liệt rượu bia vào mặt hàng bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất liên tục tăng trong những năm qua. Thế nhưng, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn không hề giảm. Theo thống kê, trong hơn 10 năm (khoảng năm 2005 đến 2017), lượng tiêu thụ rượu bia bình quân một người trong năm ở nước ta đã tăng hơn gấp đôi (từ 3,8 lít lên 8,3 lít/người/năm).
Trước thực trạng này, mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã tổ chức hội thảo đề xuất điều chỉnh chính sách thuế đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam. Thế nhưng, dù chính sách thuế có khắc nghiệt bao nhiêu thì việc uống rượu bia cũng không giảm nếu không thay đổi từ gốc vấn đề: Văn hóa uống rượu bia. “Văn hóa” mời rượu, uống rượu bị lạm dụng và hiểu méo mó đã tạo nên những cuộc sát phạt nhau bằng rượu chứ không còn giá trị ban đầu là uống rượu để nâng cao sức khỏe, để kết giao, để làm đẹp thêm tình bạn. Những câu nói đại loại như “Nam vô tửu như cờ vô phong”, “Bạn không uống thì không phải bạn tôi”, “Anh uống thế là không nể mặt em”... khiến nhiều người vì nể nang mà thành ra để rượu... uống mình.
Thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu bia là cả một quá trình dài, cần nhiều thời gian để “thấm”. Ngoài những điều chỉnh về chính sách, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, cách giáo dục trong gia đình, sự chân thành khuyên răn từ bạn bè... là "sức mạnh mềm" tạo nên văn hóa chuẩn mực khi uống rượu bia.
Thực tế đã cho thấy, uống rượu bia cũng có thể trở thành nét đẹp văn hóa nếu mỗi người trong cuộc đều có cách ứng xử và sử dụng rượu bia phù hợp. Ở Bắc Giang đã có những cơ sở ăn uống chỉ chấp nhận dùng rượu làng Vân qua kiểm định chất lượng. Đây là một cách truyền bá danh tiếng loại mỹ tửu của địa phương tới du khách. Văn hóa thưởng thức rượu bia với nhiều nước trên thế giới khi trở thành nét văn hóa thì nó chính là cách quảng bá hình ảnh đất nước, trở thành ngành kiếm ra tiền khi kết hợp với du lịch. Uống rượu đúng cách là nét văn hóa, nhưng để rượu uống mình là tự hại chính mình.
HIỀN VINH