Phóng viên (PV): Thưa ông, nhiều người có thói quen uống rượu bia trước hoặc sau khi tập luyện TDTT. Điều này có tác động như thế nào đối với sức khỏe?
TS, bác sĩ Võ Tường Kha: Người Việt Nam có thói quen uống rượu bia rất nhiều so với các nước phát triển. Văn hóa uống rượu được hình thành từ nhiều đời, nhưng hiện đang trở thành trào lưu không tốt bởi sự quá đà, biến tướng. Ở cơ thể bình thường, rượu uống vào được hấp thu rất nhanh 20 đến 30 phút qua đường tiêu hóa, 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non. Sau khi hấp thu, rượu được phân phối nhanh vào các tổ chức và dịch của cơ thể. Nồng độ rượu trong tổ chức tương đương với nồng độ trong máu. Khoảng 10% rượu được thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. 90% còn lại được hấp thu và chuyển hóa tại gan.
Đối với một người khỏe mạnh, việc uống nhiều rượu bia tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là gan. Gan có 7 chức năng chính thì trong đó chức năng chuyển hóa chất độc thành chất ít độc hơn để thải độc. Khi rượu bia vào nhiều sẽ gây nặng gánh cho gan, dần dần gây xơ mỡ gan. Uống rượu bia lâu ngày có thể gây gan nhiễm mỡ độ 1, độ 2, độ 3, dần dần dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan. Rượu bia ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh, nó gây thoái hóa chất trắng, bao myelin, dẫn đến suy giảm trí nhớ, loạn thần, viêm dây thần kinh ngoại biên gây tê bì chân tay. Nếu dùng rượu bia với liều lượng cao sẽ gây loạn thần, nói sảng, rối loạn hành vi, gây tác động xấu đến an ninh xã hội.
 |
Biếm họa của PHÙNG MINH. |
Những người uống nhiều rượu trong thời gian dài còn gây thoái hóa khớp, chỏm xương, đầu sụn và thậm chí phải thay khớp. Rất nhiều bệnh nhân phải thay khớp mà nguyên nhân chủ yếu là uống nhiều rượu bia. Ngoài ra, rượu bia tác động đến đường tiêu hóa gây viêm dạ dày, viêm đại tràng, gây hội chứng dạ dày trào ngược, viêm tụy cấp... Nặng hơn có trường hợp ngộ độc rượu gây bệnh lý tim, mạch máu não cấp tính, gây hôn mê, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Người bình thường uống rượu bia nhiều đã hại, đối với người chơi TDTT thì còn tác hại nhiều hơn nữa. Đầu tiên, ta cần khẳng định việc nhiều người uống rượu bia trước hoặc sau khi thi đấu TDTT là do tâm lý đám đông. Rượu bia là một chất kích thích, gây hưng phấn giả tạo cho những người chơi TDTT, nó không thể chuyển hóa thành năng lượng phục vụ việc thi đấu, đặc biệt còn gây ảnh hưởng hoạt động thần kinh-cơ, gây rối loạn vận động. Sau khi thi đấu, tập luyện TDTT thì cơ thể con người bị tiêu hao năng lượng, mất nước, điện giải, ứ thừa chất chuyển hóa trung gian rất nhiều. Vì thế, ngay lập tức chúng ta cần bổ sung năng lượng bằng dinh dưỡng, bù nước, bù khoáng, thải độc như đi xoa bóp, xông hơi; còn chất cồn trong rượu bia gây rối loạn hoạt động truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh từ não. Những rối loạn này có thể làm giảm khả năng phối hợp và có thể dẫn đến tai nạn trong tập luyện, thi đấu. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn chơi các môn thể thao đòi hỏi sự phối hợp vận động phức tạp như các môn bóng, môn võ, nâng tạ nặng... Uống quá nhiều rượu bia có thể khiến bạn bị rối loạn chức năng tim mạch, như tim đập nhanh hơn và kéo theo tình trạng tăng huyết áp, co thắt mạch gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu đi tập ngay sau đó vì rất dễ xảy ra các tai biến về mạch máu.
Đối với thể thao đỉnh cao thì VĐV không bao giờ được uống rượu bia. Trong thể thao, rượu bia được coi là chất cấm, một dạng của doping, nói chung là tuyệt đối không dùng.
PV: Rượu bia có nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, nhưng xét ở khía cạnh nào đó thì nó có mang lại lợi ích gì không, thưa ông?
TS, bác sĩ Võ Tường Kha: Đối với những món ăn nhiều đạm, nhiều mỡ, rượu vang có tác dụng kích thích tiêu hóa giúp người dùng ngon miệng hơn. Rượu vang có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe cho tim mạch; kích thích tạo năng lượng, hoạt động não bộ tốt lên; cung cấp máu oxy tốt hơn. Những người nào tâm lý không vững, hay run thì uống chút rượu sẽ tốt hơn. Lợi ích của rượu vang là điều nhiều người biết, nhưng nếu dùng với liều lượng cao thì sẽ phản tác dụng. Ngày xưa không có rượu vang, cha ông ta làm rượu thuốc ngâm từ một số hoa quả hoặc từ một số vị thuốc nam-bắc. Uống một chén hạt mít nhỏ trước khi ăn gọi là khai vị, giúp tăng nguồn cảm hứng, tăng kích thích, giúp ăn ngon hơn.
PV: Thời gian qua, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã điều trị ra sao với những ca bệnh nặng liên quan đến rượu bia, thưa ông?
TS, bác sĩ Võ Tường Kha: Đa số những trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông đến Bệnh viện Thể thao Việt Nam có nguyên nhân là say rượu bia. Nhiều người khi được đưa vào đây thì hôn mê, ban đầu có những triệu chứng như là chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu, nhưng thực chất là ngộ độc rượu trên chấn động não. Lúc đó, chúng tôi phải phân biệt, không bỏ sót triệu chứng, giải quyết ngộ độc rượu thì bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Ngược lại, chấn thương sọ não gây chảy máu não trên nền ngộ độc rượu thì càng làm trầm trọng, diễn biến nhanh, tiên lượng xấu. Công tác đánh giá ban đầu rất quan trọng, nếu không đánh giá đúng thì xử lý không đúng, đe dọa đến tính mạng. Trong trường hợp này, bác sĩ khám phải có kinh nghiệm, phải phân biệt được giữa ngộ độc rượu và hôn mê do chấn thương. Ngộ độc rượu có nguy cơ cao gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
PV: Thưa ông, trên góc độ y học thì nên làm gì sau mỗi lần uống rượu bia nhiều?
TS, bác sĩ Võ Tường Kha: Rượu bia hấp thụ đường máu, qua gan sẽ lọc chuyển hóa thành chất không độc trước khi thải ra bằng đường nước tiểu. Khi uống rượu bia có triệu chứng đầy bụng ta nên cố gắng gây nôn để thải hết chất cồn ra chứ không nên để nó ngấm vào cơ thể. Có thể uống nhiều nước lọc, nước chanh, nước chứa nhiều vitamin để giúp trung hòa cơ thể.
Để tăng thải độc rượu, cần ăn các loại thực phẩm chế biến từ đỗ xanh, ăn nhiều rau quả, đặc biệt là củ cải trắng... Khi say rượu bia, gây nôn là cách nhanh nhất, hiệu quả để giải rượu. Nhưng khi người say rượu nôn trong tình trạng thiếu tỉnh táo hay ngủ mê man thì dịch nôn, thức ăn có thể chui vào phổi gây sặc hoặc ngạt thở, nếu không cấp cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng. Tránh uống các đồ uống có ga vì chúng sẽ đẩy nhanh quá trình hấp thụ rượu bia vào cơ thể. Hiện nay trong y học không có bất cứ một loại thuốc nào giúp hỗ trợ cai nghiện rượu bia, mà điều đó cần phụ thuộc vào chính bản lĩnh, ý thức văn hóa của mỗi người.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
KHOA MINH - HỮU TRƯỞNG (thực hiện)