Giá trị tích cực của lễ hội truyền thống là hình thức cố kết cộng đồng, giúp con người hướng về cội nguồn, cân bằng tâm linh, hướng thiện và nhằm bảo tồn và trao truyền văn hóa, góp phần tạo dựng cuộc sống tốt lành, yên vui...
Lâu nay, sau Tết Nguyên đán thường diễn ra nhiều lễ hội ở các địa phương. Thế nhưng mùa xuân này, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã chủ động dừng tổ chức lễ hội để tập trung lo chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường trực của Chính phủ bàn về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
 |
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị các địa phương tạm ngừng tổ chức lễ hội, hoặc điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức nhằm bảo đảm các điều kiện về PCD bệnh. Ngay từ đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều địa phương đã không tổ chức bắn pháo hoa. Việc làm này không những hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, mà còn tiết kiệm được khoản kinh phí đáng kể dùng vào công tác chống dịch. Trên tinh thần đó, Hưng Yên đã tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; Hà Nội dừng tất cả hoạt động lễ hội chùa Hương, lễ hội Gò Đống Đa... Một số lễ hội lớn của cả nước như: Khai hội chùa Bái Đính, Tam Chúc, khai hội xuân Yên Tử, khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng... cũng đã hủy bỏ, hoặc không khai hội ngay trước thềm mùa lễ hội.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 ở Việt Nam đã mạnh hơn, với số ca nhiễm nhiều hơn và tốc độ lây lan nhanh, đồng thời diễn ra trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố và khó truy vết hơn... Thế nên, rất cần sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương để chiến thắng dịch Covid-19, như chúng ta từng chiến thắng ở hai đợt dịch trước đây.
Giảm bớt tần suất, mật độ lễ hội là việc cần thiết. Hạn chế tập trung đông người là việc nên làm, là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Muốn vậy, tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân sau Tết Nguyên đán phải trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, chúc Tết rình rang. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất tham gia các lễ hội. Chính sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội sẽ góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh đẩy lùi dịch bệnh, làm cho quốc thái dân an, nhà nhà an lạc, người người yên vui.
PHAN TIẾN DŨNG