Trước hết nói về việc ăn, ở: Tại các khu du lịch ven biển đã có tiếng như: Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) v.v.. các khách sạn, nhà nghỉ đều “cháy phòng”. Ở Cát Bà, trong mấy ngày nghỉ lễ, các phòng nghỉ được sử dụng hết công suất, nhiều khách còn phải ở chung, ở ghép. Không ít du khách chưa kịp đặt phòng trước nên khi ra đến nơi thì đành chấp nhận vào nhà dân ở trọ. Còn vấn đề giá cả thì càng có nhiều điều để nói. Tìm hiểu từ các chợ trung tâm cho đến các nhà hàng, giá cả đã có khoảng cách “một trời một vực”. Bởi khi nhận thấy cầu vượt cung thì hầu hết các chủ nhà hàng, khách sạn đều tăng giá phòng nghỉ và giá thực phẩm lên gấp 3-4 lần so với ngày thường. Một phòng nghỉ hạng trung ở Cát Bà, ngày thường chỉ 300-400 nghìn đồng/ngày đêm thì vào những ngày nghỉ lễ vừa qua đã tăng lên 1,5-2 triệu đồng/ngày đêm; hoặc 1kg ghẹ loại to ở chợ trung tâm Cát Bà bán với giá 300 nghìn đồng, nhưng trong nhà hàng thì đều có giá từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Khi hỏi về sự “vô lý” này thì các chủ nhà hàng đều cười, bảo: “Các bác thông cảm, chúng em chỉ làm ăn vào mấy ngày này thôi”. Kết luận đây là hiện tượng “chặt chém” du khách có lẽ không có gì là quá.
Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều. Ảnh: vietnamnet.vn
Thứ hai nói về việc đi lại: Đi du lịch Cát Bà tất yếu phải cơ động theo đường thủy từ Hải Phòng đi ra bằng tàu cao tốc tại bến Bính, hoặc qua phà Đình Vũ. Trong mấy ngày nghỉ lễ, do lượng khách quá đông nên các tuyến giao thông này đều hoạt động quá công suất. Tại bến tàu cao tốc cả chiều đi và về, nhiều khách đã không thể mua nổi vé, đành phải chấp nhận đi qua phà Đình Vũ. Tại đây, xe ô tô cũng xếp hàng dài cả cây số chờ đến lượt xuống phà dưới cái nắng đầu hè oi ả. Ở các khu du lịch như: Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đường vào cũng tắc đến vài cây số. Do vậy mà nhiều du khách bảo: “Thôi lần sau xin... cạch!”.
Nêu hai vấn đề chính trong một chuyến du lịch để thấy, việc tổ chức du lịch của chúng ta còn nhiều điểm thiếu và yếu. Trước hết là thiếu thông tin, thiếu sự điều tiết ở tầm vĩ mô, bởi du khách hầu như không nắm được thông tin từ cơ quan chủ quản ngành du lịch và thông tin từ các địa phương có điểm du lịch. Vì thế nhiều điểm du lịch trở nên quá tải là tất yếu. Nếu có thông tin cập nhật về khả năng đáp ứng của từng khu du lịch thì sự quá tải có thể sẽ không xảy ra, điều đó sẽ tạo thuận lợi và làm cho du khách hài lòng hơn. Điều thứ hai là thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng địa phương nên các nhà hàng, khách sạn đã tự tung tự tác về giá cả, gây ấn tượng xấu đối với du khách. Nếu kéo dài tình trạng này thì các điểm du lịch của chúng ta khó mà giữ được chân du khách, nhất là đối với khách nước ngoài.
Khắc phục những bất cập nêu trên rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương có khu du lịch. Công tác thông tin, kiểm tra, giám sát, công tác điều tiết cả về giao thông, cả về giá cả... cần phải được thực hiện liên tục, chặt chẽ và ngày càng bảo đảm tính chuyên nghiệp của ngành du lịch. Cần phải tổ chức và thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để du khách phản ảnh các vấn đề bất cập như một số địa phương đã làm. Mọi hiện tượng kinh doanh kiểu “chộp giật”, “chặt chém” tại các khu du lịch cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Mới là kỳ nghỉ lễ đầu hè nên vẫn còn thời gian để các địa phương và ngành du lịch rút kinh nghiệm. Hy vọng trong suốt cả mùa du lịch năm nay, các điểm du lịch của Việt Nam đều trở nên ấn tượng và hấp dẫn du khách.
TRẦN VŨ