Qua báo cáo giám sát, dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến được trình bày, có thể thấy thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, lắng nghe, tìm các biện pháp giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Cũng nhờ lắng nghe, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri mà thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã nhận diện và từ đó tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh; chăm lo đời sống nhân dân; góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Thế nhưng có một thực tế là không phải mọi ý kiến của cử tri và nhân dân đều ngay lập tức được giải quyết triệt để, giải quyết theo đúng mong muốn của cử tri. Lý do dẫn tới thực trạng trên có thể vì những người thực thi công vụ chưa thể hiện trách nhiệm ở mức cao nhất; có thể vì nhiều kiến nghị của cử tri là những vấn đề khó, có các yếu tố lịch sử để lại cần được xác minh kỹ; có thể do vướng mắc từ các quy định hiện hành của pháp luật cần được nghiên cứu, chỉnh sửa; rồi những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế như năng suất lao động thấp, lương chưa cao... muốn giải quyết được cũng cần phải có thời gian... Trong đó, tựu chung lại là, nếu như cán bộ, công chức nỗ lực, mẫn cán hơn nữa với công việc, biết cảm thông hơn, thì việc giải quyết kiến nghị của cử tri chắc chắn sẽ tốt hơn. Rồi chính quyền các cấp cũng cần phải nghiên cứu, rà soát lại các quy định, các quy hoạch, phát hiện những điều bất hợp lý, sửa chữa các sai sót, tìm ra phương thức tốt nhất phục vụ nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh:quochoi.vn.

Cùng với đó, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những ý kiến, kiến nghị của cử tri mang tính khách quan, bên cạnh những người dân biết hy sinh lợi ích của cá nhân mình vì lợi ích của cộng đồng, quốc gia thì cũng có những người chỉ vì lợi ích của mình, có những ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ mang tính cá nhân, bảo vệ lợi ích của cá nhân mà bất chấp, không màng tới lợi ích của cộng đồng, của quốc gia. Ví như, có rất nhiều việc mà tất cả người dân đã đồng lòng, nghiêm túc thực hiện giải tỏa mặt bằng cho dự án xây dựng một công trình công cộng, chỉ có một hộ dân, hoặc một vài hộ dân cố tình chây ì vì muốn được hưởng khoản đền bù cao bất hợp lý mà ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng, địa phương, thậm chí lợi ích của quốc gia. Thế nhưng, những cá nhân ấy không những không thấy được việc làm không đúng của mình mà lại cố tình kiện tụng qua nhiều cấp, gây rối, làm nóng tình hình.

Cho nên trong một xã hội ngày càng có nhiều lợi ích đan xen, chúng ta cần phải nhận diện được chính xác các lợi ích. Không nên bị nhiễu bởi các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong xã hội, nhất là khi đó là những lợi ích không hợp lý, hợp tình, để rồi ảnh hưởng tới lợi ích chung, công việc chung.

Cử tri đóng góp ý kiến cũng là một cách để giúp xây dựng, hoàn thiện chính sách, luật pháp, từ đó đóng góp cho phát triển. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân không chỉ cần đóng góp ý kiến, thể hiện nguyện vọng mà còn cần nỗ lực cùng chính quyền các cấp hiện thực hóa nguyện vọng ấy, bằng việc thực hiện chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi người cũng cần phải biết hài hòa lợi ích của cá nhân mình và của cộng đồng, đóng góp vì cộng đồng, vì đất nước. Đó là những cơ sở để việc phát triển kinh tế-xã hội được thuận lợi, đời sống ngày càng tốt hơn, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

HỒ QUANG PHƯƠNG