Tại hiện trường, nhánh cây to mục rỗng bên trong cho thấy khả năng cây đã bị “chết” một phần, dẫn đến gãy đổ. Hiện tượng như trên từng xảy ra ở không ít nơi. Nguyên nhân chủ yếu là do cây bị chết khô, thiếu sự theo dõi, quản lý, chăm sóc phù hợp, hoặc thậm chí có trường hợp người xấu “đầu độc” cây chết với ý đồ cá nhân. Như trường hợp xảy ra nhiều năm trước, một cây cổ thụ trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chết không rõ nguyên nhân. Qua phản ánh của người dân, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận chủ căn nhà nơi cây cổ thụ mọc trước cổng là người làm cây chết. Vì không muốn cây xanh choán không gian trước cổng nhà mình, người này “đầu độc” cây bằng hóa chất gây hại trong thời gian dài khiến cây chết dần. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.
|
|
Hàng cây lâu năm tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuoitre.vn |
Trong thực tế cuộc sống, không phải ai cũng hiểu hết giá trị, ý nghĩa của cây xanh đối với đời sống con người và biết cách ứng xử tốt với cây xanh. Ở đô thị, cây xanh như lá phổi mang đến không khí trong lành, hấp thụ CO2, tỏa oxy ra môi trường sống, che bóng râm mát, tạo cảnh quan, môi trường... Quy hoạch đô thị hiện đại luôn chú trọng tiêu chuẩn, yêu cầu phát triển mảng xanh, trồng cây xanh và quản lý, bảo vệ. Những cây cổ thụ lâu đời, cây quý hiếm được đánh số, quản lý chặt chẽ và bảo tồn. Ở nhiều địa phương, những tuyến đường nhiều cây cổ thụ trở thành điểm văn hóa, du lịch đặc trưng, như TP Hà Nội có các tuyến phố cây xanh Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú...; TP Hồ Chí Minh có các tuyến đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Ở các vùng nông thôn, cây xanh và những cánh rừng mang lại giá trị kinh tế và môi trường. Rừng mang lại giá trị kinh tế, cho ta môi trường sống, giữ nguồn nước, ngăn sạt lở. Trong các cuộc kháng chiến thì “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong xây dựng khu vực phòng thủ, rừng giúp xây dựng những căn cứ địa, hậu cứ chiến lược...
Cây xanh mát lành, đẹp và ý nghĩa đa chiều như thế, lẽ nào ta không trân quý, giữ gìn! Bởi thế, chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng mực, trân quý, giữ gìn cây xanh để có được môi trường sống trong lành. Bên cạnh giữ rừng ở nông thôn, việc giữ gìn, phát triển cây xanh đô thị cần sự đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý và mỗi người dân; cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, làm lan tỏa, hưởng ứng phong trào trồng cây; quản lý, chăm sóc, không để cây xanh bị xâm hại. Mùa mưa bão, cần quan tâm rà soát tỉa lá, chặt cành, chống đỡ cây yếu để phòng tránh gãy đổ gây những hậu quả đáng tiếc.
Con người ứng xử đúng mực với cây xanh sẽ tạo nên môi trường sống xanh, những cánh rừng xanh, đô thị xanh phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
ĐẶNG TRUNG KIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.