Vì sao phải đặt ra vấn đề này ngay từ bây giờ? Bởi chuyện lãng phí sau sắp xếp, sáp nhập cơ quan, đơn vị không còn là hiện tượng đơn lẻ mà dần trở nên phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều cấp độ và nhiều hình thức, biểu hiện.
Đó là những trụ sở cơ quan nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng bị bỏ hoang, nằm phơi mình cùng mưa nắng nhưng không ai đoái hoài. Đó là những khu đất công được ví như “đất vàng”, nằm ở vị trí đắc địa, nhưng sau sắp xếp, sáp nhập lại trở thành bãi gửi xe, nơi tập kết vật liệu xây dựng, thậm chí trở thành tụ điểm của các tệ nạn xã hội... Ai cũng nhận thức được, như thế là lãng phí, nhưng không ai hành động và tài sản công bị lãng phí đầy xót xa!
 |
Ảnh minh họa / Baohaiduong.vn |
Trong những nguyên nhân của lãng phí, có nguyên nhân xuất phát từ bất cập trong cơ chế, chính sách để thu hồi, xử lý tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập, nên dẫn đến tình trạng “dưới đẩy lên, trên đẩy xuống” để né trách nhiệm. Xét đến cùng, căn nguyên, gốc rễ vấn đề vẫn là tâm lý “cha chung không ai khóc”, “của công nên không ai xót”... Trong khi, một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng chỉ lo “ấm chân, giữ ghế”, được việc cho mình khi cơ quan, đơn vị thực hiện sáp nhập.
Cần nhận thức rõ, mục tiêu của tinh gọn bộ máy cũng là để chống lãng phí, vì nó góp phần cắt giảm ngân sách nhà nước phải chi hằng năm cho bộ máy cồng kềnh, nhiều khâu trung gian; từ đó dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bởi vậy, nếu không kiên quyết, triệt để chống lãng phí sau tinh gọn bộ máy thì không những làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả và ý nghĩa từ chủ trương tinh gọn mà hệ lụy nghiêm trọng hơn là làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống lãng phí-cuộc chiến chống "giặc nội xâm" mà người đứng đầu Đảng ta vừa khởi xướng.
MINH MẠNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những hành động tham ô, lãng phí là “tội ác xấu xa”, “là hành động trộm cắp mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ”; tham ô, lãng phí “là thứ giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, “là kẻ thù nguy hiểm”.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí, bởi lãng phí cùng với tham nhũng là nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên; tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Từ đó làm giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình cho phát triển kinh tế xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.