Nhìn những ngọn núi đá cao chìm trong sương mù bao quanh bản và nghe tiếng suối rào rào dưới vực, thật nể phục các vị khai khẩn, liệu có ai mách bảo các vị ấy không, hay là các vị ấy đã có những kinh nghiệm truyền đời, những kiến thức đủ dùng về địa hình, địa chất và khí hậu để chọn nơi lập bản, thoạt nhìn thì thấy nguy hiểm nhưng thực tế rất vững chắc, an toàn.

Ví dụ nhỏ đó cho ta một suy nghĩ về cách phòng, chống thiên tai, bão, lũ, ấy là hãy tránh những nơi có thể xảy ra thiên tai nguy hiểm trong tương lai. Mà muốn tránh, nhất định phải có kiến thức, kinh nghiệm về môi trường, khí hậu, thời tiết. Có lẽ đó là cách chủ động nhất để thiên tai không ập đến với mình, ngôi nhà, người thân của mình.

 Nước lũ về khiến đường sá, núi sạt lở. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.

Khi mùa lũ đến, cán bộ xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh chỉ cần nhìn mực nước dâng dần lên đến vị trí nào trong sân trụ sở UBND là biết được lúc đó xóm nào của xã bị ngập bao nhiêu mét, bao nhiêu hộ dân cần di chuyển và di chuyển bằng đường nào, đến vị trí nào, từ đó, UBND xã ra quyết định ứng phó kịp thời. Do thường xuyên hứng chịu và "sống chung" với lũ lụt, người dân nơi đây nhà nào cũng lắp đặt một, hai ngôi nhà nổi kết cấu bằng các thùng nhựa, nước dâng đến đâu, nhà dâng lên đến đó, cả gia đình yên tâm sinh sống chờ nước rút. Cách chủ động ứng phó với thiên tai như ở xã Điền Mỹ chưa nhiều, theo số liệu thống kê năm 2020 của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ở miền Trung còn 223.008 nhà không an toàn trước bão, 152.820 nhà không an toàn trước lũ.

Chúng ta biết rằng, xu hướng của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay sẽ ngày càng cực đoan và khó đoán định. Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu các cơ sở chuyên sâu nghiên cứu về các vấn đề thiên tai để có thể đưa ra dự đoán sát thực hơn trong công tác phòng, chống. Một hội thảo khoa học về phòng, chống thiên tai đã nhận định: Công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu dựa vào tư duy phòng, chống lụt bão nên thường là không bao quát được tất cả các loại hình thiên tai và nặng về phản ứng/ứng phó với từng sự việc hơn là tư duy hệ thống ở tầm chiến lược. 

Năm 2020, vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3 và tiếp đó là các vụ sạt lở khác trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, gây nhiều tổn thất về người và tài sản khiến cơ quan chức năng phải ra quyết định dừng toàn bộ hoạt động thi công các công trình này. Nếu ngay từ ban đầu, công tác khảo sát, dự đoán thiên tai khoa học, chính xác, đầy đủ hơn, chắc chắn sẽ không xảy ra thiệt hại lớn như thế. Thực tế đó cho thấy, trong khi khả năng chống chịu của nhiều công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế, nhiều công trình còn làm gia tăng rủi ro thiên tai như bố trí tái định cư vào vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng công trình không tính đến an toàn cho dân cư.

Muốn “đi trước” thiên tai, rất cần thiết phải tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong công tác quan trắc, cảnh báo, ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó. Cùng đó, cần nhân rộng những mô hình, phổ biến kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư như ở xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tạo thuận lợi cho người dân tự tư duy, sáng tạo và giúp họ tìm cách phòng, chống đơn giản mà hữu hiệu, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, tập tục và lối sống bản địa, “đi trước” thiên tai một cách bình tĩnh, điềm nhiên.  

TRẦN HOÀI