Tương tự, tại các tuyến đường Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu, Lê Tấn Trung, Trần Quang Khải... trên địa bàn thành phố, người dân và du khách cũng thấy phiền lòng bởi các hộ dân công khai bày bán các mặt hàng tràn lan trên vỉa hè.

Thực tế, Đà Nẵng đã không ít lần triển khai các chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ với lực lượng liên ngành khá hùng hậu. Các loại bạt treo che nắng đã phải gỡ xuống, nhiều công trình lấn chiếm bị dỡ bỏ. Sau khi lực lượng chức năng “trả” vỉa hè cho người dân, quận sẽ bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Địa phương nào để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, sau mỗi lần ra quân như vậy, vỉa hè ở Đà Nẵng cũng chỉ “sạch” được trong một thời gian ngắn.

Những năm gần đây, không riêng gì Đà Nẵng, nhiều địa phương trong cả nước rầm rộ các đợt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Khẩu hiệu “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đã trở nên quen thuộc ở nhiều nơi. Đúng là sau mỗi “chiến dịch” rộ lên, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè có sự cải thiện đáng kể, nhưng thật tiếc, chỉ một thời gian sau chiến dịch, tình trạng lấn chiếm lại "trở về vạch xuất phát", thậm chí còn trầm trọng hơn. 

leftcenterrightdel

Nhiều khu vực đông du khách ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng bị chiếm dụng vỉa hè. Ảnh minh họa/Tuoitre.vn

Năm này qua năm khác, đã có nhiều cuộc ra quân với lực lượng lớn, quyết giành lại không gian cho người đi bộ, nhưng đến giờ, việc này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Có một nguyên nhân căn bản là sự thiếu kiên quyết của lực lượng chức năng và việc quy hoạch, quản lý đô thị của chính quyền cơ sở còn chưa khoa học. Cũng có nơi còn e dè, nể nang khi xử lý các hành vi vi phạm bởi nó liên quan đến sinh kế của người dân. Thế nên ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở, đẩy đuổi... lấy lệ. 

Không chỉ chiếm vỉa hè, các biển quảng cáo cũng xuất hiện tràn lan, thiếu trật tự, chiếm khoảng không đường phố. Trên các dãy phố hiện nay, người dân tận dụng gần như toàn bộ mặt tiền của các ngôi nhà để treo biển quảng cáo. Vào ban đêm, các biển quảng cáo sáng rực, các loại dây đèn treo chằng chịt, ngang dọc, không theo một quy chuẩn nào. 

Vỉa hè là không gian thuộc về cộng đồng, do chính quyền các địa phương quản lý. Vỉa hè không thuộc quyền sở hữu của chủ các căn hộ tiếp giáp hay bất kỳ cá nhân nào. Vỉa hè góp phần làm đẹp đô thị và lối đi của người đi bộ... Thế nhưng ở nước ta, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... vỉa hè lại bị nhiều cá nhân mặc nhiên chiếm dụng, sử dụng vào mục đích riêng.

Để việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi", “bắt cóc bỏ đĩa”, chính quyền cơ sở cần có quy định rõ ràng về diện tích vỉa hè được sử dụng, có văn bản ký kết cụ thể, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý... Đặc biệt, cần quan tâm lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường đối với từng tuyến phố, tuyến đường; việc lập lại trật tự vỉa hè cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo đảm sinh kế lâu dài cho các hộ kinh doanh, đồng thời phải tích cực tuyên truyền để loại bỏ dần tư duy kiếm sống trên vỉa hè trong mỗi người dân. 

NGUYỄN HỒNG SÁNG