Những lời Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể dù cách đây đã gần 30 năm, anh hùng Hoàng Đăng Vinh cũng đã về với tiên tổ, nhưng điều còn đọng lại mãi trong tôi là hình ảnh chiến sĩ Quân đội ta chiến đấu rất gan dạ và mưu trí. Họ chỉ có một niềm đau đáu là chiến đấu để giải phóng quê hương, đất nước, để những người thân ở hậu phương được hưởng hòa bình. Vì Tổ quốc, họ sẵn sàng hy sinh thân mình ở tuổi đôi mươi mà không hề toan tính.

Cán bộ Học viện Hậu cần giáo dục lịch sử truyền thống cho học sinh Trường THCS Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Giáo dục truyền thống qua các sự kiện lịch sử luôn có sức mạnh, bởi nó đã thổi bùng lên ngọn lửa ý chí trong mỗi con người, nhân lên lòng tự hào dân tộc. Sự vĩ đại ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của biết bao con người Việt Nam. Dù vậy, trên thực tế, không phải ở đâu, khi nào việc giáo dục truyền thống cũng được thực hiện tốt. Vẫn còn đâu đó tình trạng xem nhẹ, lãng quên lịch sử; là cách tuyên truyền, giáo dục hời hợt, qua loa, thiếu trách nhiệm dẫn đến cách hiểu không đúng về lịch sử; hay là cách tuyên truyền, giáo dục khô cứng, khiên cưỡng, nội dung đơn điệu, nghèo nàn khiến nhiều người dửng dưng với lịch sử.

Những ngày qua, trên cả nước, các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như: Triển lãm hiện vật, tranh ảnh, tư liệu; gặp gỡ giao lưu với các nhân chứng lịch sử; tri ân các chiến sĩ, dân công hỏa tuyến năm xưa; kể chuyện truyền thống; tổ chức các hoạt động thể dục-thể thao chào mừng sự kiện...

Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có những cách làm riêng, nhưng tựu trung đều để mỗi người dù ở thế hệ nào cũng luôn nhớ về những ngày gian khó nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Với thế hệ trẻ hôm nay, cách giáo dục ấy sâu lắng và thấm đượm, đọng lại trong họ là sự biết ơn sâu sắc, thấy rằng mình cần phải làm gì cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha ông. Còn với mỗi cựu chiến binh, mỗi cựu dân công hỏa tuyến, mỗi gia đình có người thân từng tham gia hoặc phục vụ các chiến dịch..., họ càng thêm tự hào về dân tộc, về những đồng chí, đồng đội, những người đi trước. Trên bình diện quốc gia, nó nhân lên tinh thần yêu nước, sự đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn, là động lực cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Mọi thế hệ người Việt Nam, dù ở bất cứ giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng đều có lòng tự hào, tự tôn, biết kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, coi đó là văn hóa của dân tộc. Bởi thế, qua mỗi sự kiện lịch sử hào hùng, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, khát vọng ấy bằng phương pháp giáo dục truyền thống phù hợp, sinh động, sáng tạo để lịch sử thực sự là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm trí mỗi con người.

NGUYỄN ANH TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.