Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Kết quả đáng khích lệ này cho thấy thương hiệu du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Chính sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ giúp ngành du lịch Việt Nam từng bước tháo gỡ khó khăn và phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự là cú hích lớn, là động lực thúc đẩy du lịch phát triển. Yếu tố góp phần tạo nên sự thành công là công tác xúc tiến du lịch ngày càng hiệu quả, các điểm đến được mở rộng ra nhiều thị trường. Việc thay đổi sản phẩm du lịch mang đến nhiều cơ hội quảng bá ra từng thị trường. Mặt khác, chính sách visa ngày càng thông thoáng với việc Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử cho công dân 40 quốc gia và tiếp tục triển khai chính sách miễn visa cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu tạo điều kiện cho các đoàn khách quốc tế đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng là cơ hội vàng quảng bá về du lịch, góp phần tạo nên những ấn tượng sâu sắc, đậm nét trong lòng bạn bè thế giới về Việt Nam.

Đò chở du khách trên suối Yến vào động Hương Tích. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, du lịch nước ta có nhiều tiềm năng, nhưng yếu tố bền vững trong bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa còn không ít bất cập. Vẫn còn tình trạng phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc, coi lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà xem nhẹ lợi ích cộng đồng. Vấn đề phát triển “nóng” ngành du lịch, thiếu tính bền vững dẫn tới tình trạng một số địa phương cơ sở hạ tầng thiếu sự đầu tư, không tương xứng với tiềm năng; bản sắc văn hóa đang dần phai nhạt, nếu không muốn nói là bị pha tạp, lai căng. Hoạt động du lịch thiếu sáng tạo, đơn điệu, nhàm chán. Công tác giới thiệu, quảng bá về du lịch còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao... Các yếu tố này tác động tiêu cực đến hiệu quả, chất lượng và tiềm năng phát triển du lịch.

Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội, nhất là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải phát huy tính chủ động, sáng tạo. Muốn vậy, ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch; tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, bảo đảm tính khoa học, toàn diện. Mặt khác, phát triển du lịch phải bảo đảm sự ổn định đời sống cho người dân; giữ gìn văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên; coi trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn nhân lực...

PHAN TIẾN DŨNG