Những năm qua, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ được nhiều địa phương, doanh nghiệp, các cấp công đoàn quan tâm. Một số hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức để công nhân tham gia trong các dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân... Cùng với đó, một số doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo cơ hội để CNLĐ vui chơi giải trí sau giờ làm việc.

 Hơn 500 công nhân lao động tại KCN Nam Cầu Kiền thưởng thức chương trình nghệ thuật chiều 12-9. Ảnh: laodong.vn

Tuy nhiên, như Báo Quân đội nhân dân gần đây đã có vệt bài khảo sát, phản ánh về đời sống văn hóa của CNLĐ ở cả 3 miền trong cả nước và nhận thấy, họ chưa có nhiều điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật lành mạnh. Nhiều công nhân chỉ biết lao động miệt mài ở các nhà máy, xí nghiệp mà hiếm khi có thời gian vui chơi, thư giãn. Hết thời gian lao động, họ phải lo công việc gia đình, chăm sóc con cái. Tiền lương dành dụm phải dùng để trang trải sinh hoạt và những nhu cầu thiết yếu nhất. Một bộ phận công nhân sống trong các khu nhà trọ rơi vào tình cảnh không sách báo, không thể thao, không có nơi vui chơi và nhất là không được thưởng thức chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" và những thiếu thốn trong sinh hoạt khiến nhịp sống của CNLĐ trở nên tẻ nhạt, đơn điệu.

Với vai trò là lực lượng tiên phong, công nhân phải được thụ hưởng các giá trị văn hóa tương xứng với thành quả lao động do chính họ tạo ra. Tính chất lao động của công nhân trong các khu công nghiệp vất vả, căng thẳng. Họ rất cần được thư giãn, vui chơi, xem biểu diễn nghệ thuật, giải trí lành mạnh để tái tạo sức lao động, tinh thần thoải mái, phấn khởi.

Muốn vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao cũng như mời các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến biểu diễn phục vụ công nhân. Nghe hát, xem chèo không chỉ là giải trí đơn thuần mà qua đó bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Các chương trình biểu diễn phải được chọn lọc chu đáo, phù hợp với thị hiếu số đông CNLĐ và phù hợp tính chất môi trường làm việc. Qua mỗi chương trình, hoạt động văn hóa phải truyền được năng lượng tích cực, bồi dưỡng tình cảm lành mạnh, giúp CNLĐ có nhận thức đúng đắn, tránh tư tưởng tiêu cực, tạo sức đề kháng trước những thông tin xấu độc.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tổ chức các đội nghệ thuật xung kích biểu diễn ở khu có đông công nhân cư trú. Đây là dịp để CNLĐ và người thân thưởng thức nghệ thuật, tạo sự gắn kết tình thân gia đình, thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các tầng lớp trong xã hội. Quan tâm, chăm lo tốt đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ sẽ giúp họ yên tâm lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đất nước.

THƯỜNG LỢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.