Từ ngày 1-7, Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành. Trong đó, nội dung đáng chú ý là người dân khi làm thủ tục cấp căn cước bắt buộc phải cung cấp thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học, gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt. Ngoài ra, người dân có thể tự nguyện tích hợp thêm thông tin ADN và giọng nói vào căn cước hoàn toàn miễn phí, không mất nhiều thời gian và được trả kết quả sau 7 ngày.

Như vậy, việc cung cấp thông tin ADN của người dân là không bắt buộc, trừ những trường hợp theo quy định của luật. Nhưng hãy nghĩ xem, nếu toàn bộ thân nhân gia đình có HCLS chưa biết tên hoặc chưa tìm thấy chủ động, tự nguyện, tự giác cung cấp thông tin ADN; các cơ quan chức năng tổ chức thu nhận, phân loại, lưu giữ tập trung thành “Cơ sở dữ liệu ADN thân nhân liệt sĩ quốc gia” trong Cơ sở dữ liệu chung Thẻ căn cước. Khi kho dữ liệu ADN này đủ lớn, bằng công nghệ, việc đối chiếu mẫu ADN của từng HCLS với kho dữ liệu quý giá này nhằm xác định danh tính liệt sĩ là việc hoàn toàn khả thi, dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và khoa học.

Việc thực hiện Luật Căn cước mới là cơ hội đặc biệt, hiếm có để trước hết các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền, người dân, nhất là thân nhân gia đình các liệt sĩ đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, xác định danh tính HCLS thông qua cung cấp và thu thập, lưu trữ, tra soát dữ liệu ADN. Trước hết, cần khuyến khích thân nhân gia đình các liệt sĩ tự giác, tự nguyện, chủ động, mạnh dạn cung cấp thông tin ADN tích hợp vào thẻ căn cước mới. Đồng thời, thiết nghĩ các bộ, ngành Trung ương liên quan cần có những giải pháp hiệu quả để triển khai và thực hiện công tác này.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.