Chuyện là, trong buổi ngồi uống cà phê vỉa hè với dân, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy phường nắm được thông tin cuộc sống, sinh hoạt của một số hộ dân ở đây bị ảnh hưởng do đường ống thoát nước từ tầng trên rò rỉ. Nước thải ngấm xuống dưới khiến các căn hộ bị hôi hám. Dù người dân và ban quản trị khu tập thể đã khắc phục nhưng do làm không đồng bộ nên tình trạng rò rỉ nước vẫn tiếp diễn. Lãnh đạo phường lập tức kiểm tra, chỉ đạo triển khai sửa chữa. Chỉ trong vài ngày, sự cố được khắc phục nhờ sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo phường.
Chuyện trên đây, đặt trong mối quan hệ, mối quan tâm của lãnh đạo cấp phường/xã hay quận/huyện thì quả là nhỏ, rất nhỏ. Thông thường, nếu có nhận được phản ánh về những chuyện tương tự, nhiều cán bộ sẽ xử lý theo cách chuyển ý kiến của dân về cho ban quản lý khu phố, tổ dân phố. Và cơ bản là rồi đâu lại vào đấy, bởi có những việc dù nhỏ nhưng người Việt ta xưa nay vẫn có tâm lý duy tình, rằng: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, “Bụt chùa nhà không thiêng”. Nhưng khi lãnh đạo cấp trên ra tay thì khác. Trong những trường hợp này, nhân tố quyết định thành công nằm ở cái uy, cái tầm của công bộc.
Thế nên, chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa của nó lại không hề nhỏ!
 |
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Nhưng để thấy và thấu cảm với dân về những nỗi khổ, nỗi bức xúc như vậy thì cán bộ phải đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt. Nếu ngồi ở công sở chỉ đạo bằng mệnh lệnh, văn bản rồi nghe báo cáo, rằng sai thì không sai nhưng khó mà có kết quả kịp thời, căn cơ được. Trong nhiều trường hợp, công văn, chỉ đạo lại như quả bóng, cứ đá qua đá lại, chuyền qua chuyền lại giữa các cấp, các ngành, còn dân thì cứ dài cổ ra mà đợi.
Tiện ích của công nghệ thông minh đã và đang khiến một bộ phận công bộc, nhất là cán bộ trẻ, mắc bệnh lười. Đúng là hiện nay, những thao tác bấm bấm, vuốt vuốt trên màn hình thiết bị thông minh đã giúp cán bộ xử lý, giải quyết hàng loạt vấn đề, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, trong các tầng lớp nhân dân, vẫn còn rất nhiều vùng, bộ phận, nhất là người cao tuổi, người nghèo... việc ứng dụng công nghệ thông minh vẫn còn là điều xa lạ. Để khắc phục tình trạng cán bộ lệ thuộc vào công nghệ, làm việc quan liêu, xa dân... nhiều cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã triển khai các mô hình công bộc vi hành. Chẳng hạn ở TP Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền các cấp, bên cạnh xếp lịch tiếp công dân theo định kỳ còn tổ chức các buổi vi hành theo tuần, theo tháng. Cán bộ vi hành xuống tận các khu chung cư, các con hẻm, hè phố... uống cà phê, ăn sáng với dân. Khi vi hành, cán bộ phải có phong cách giản dị, gần gũi, chan hòa với dân để lắng nghe những tiếng nói thật, nói thẳng, nói thân tình của dân. Để vi hành không mang tính hình thức, khi dân có bức xúc, phản ánh, phải kiểm tra, chỉ đạo xử lý ngay và luôn.
Đã là nguyện vọng, đề xuất của dân thì không nên phân biệt là to hay nhỏ. Tạo hóa công bằng ở chỗ, về bản chất sự sống thì con voi và con kiến là như nhau. Trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì nhà người dân bị hôi hám, ô nhiễm cũng có khác gì nhà ông cán bộ cấp cao?
Đó là bài học, là triết lý về thái độ gần dân, là văn hóa đạo đức của công bộc.
PHAN TÙNG SƠN