Thanh tra, kiểm tra là việc làm hết sức cần thiết trong quy trình quản lý của bất kỳ nhà nước và tổ chức nào. Bởi chỉ có thanh tra, kiểm tra mới tìm ra những “lỗ hổng”, ngăn chặn việc làm khuất tất nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội và người dân, giúp quá trình quản lý ngày càng hoàn thiện và công bằng hơn.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng vấn đề chính là Nhà nước chưa dỡ bỏ các văn bản còn chồng chéo. Ví dụ, ở lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm có tới 3 bộ cùng quản lý (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dựa trên 3 nghị định độc lập, dẫn đến vướng mắc, mâu thuẫn khi thực hiện. Mặc dù Nghị quyết 35 của Chính phủ đã quy định địa phương, cơ quan chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm, nhưng việc thực tế không như vậy.

Vậy nhưng, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và dư luận, chi phí thủ tục hành chính, phục vụ cơ quan nhà nước và địa phương thanh tra, kiểm tra là không hề nhỏ. Mỗi lần có đoàn thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp mất nhiều thời gian tập trung cho việc thanh tra, từ việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ…  cho đến đón tiếp nên hiệu quả kinh doanh giảm sút. Không những trong sản xuất kinh doanh mà cả những thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ… doanh nghiệp cũng phải “gồng mình” lên tiếp đón cán bộ thanh tra. Thực tế có hiện tượng trong một tháng, doanh nghiệp bị thanh tra tới 3 lần, hoặc có doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 10-12 lần/năm.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Ảnh: TTXVN. 
Theo các chuyên gia, những quy định chồng chéo, bất hợp lý chính là “điểm tựa” để cán bộ, nhân viên trong bộ máy công quyền thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu đức lợi dụng, hành hạ, vòi vĩnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Muốn được việc, muốn “thuận buồm xuôi gió” và không để “lỡ cơ hội” trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín với đối tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chung chi, “bôi trơn” hoặc dùng uy lực các mối quan hệ để vượt qua rào cản pháp lý. Hùa theo “cơn lốc đen” này, nhiều đối tượng đã lợi dụng quen biết, móc ngoặc, tìm cách trốn tránh quy định pháp luật, làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu... thu lời bất chính; khiến cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hữu hiệu. Việc này lâu dần tạo ra tiền lệ xấu, trở thành “luật ngầm” và là “chiếc vòng kim cô” vô hình rất khó tháo bỏ. Nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ đã phải trả loại phí này.

Thực trạng trên khiến môi trường kinh doanh vẩn đục, nhiều rào cản, chưa thông thoáng, gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng chi phí đầu vào sản phẩm, làm giảm sút năng lực cạnh tranh; khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, kìm nén kinh tế phát triển.

Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố Chỉ thị số 20/CT-TTg tại buổi gặp lần 2 với cộng đồng doanh nghiệp hôm 17-5 là việc làm hết sức có ý nghĩa thời sự. Cũng cần nói thêm là, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 1-10-2016, website: Chính phủ với doanh nghiệp đã tiếp nhận 586 kiến nghị của doanh nghiệp; giải quyết 472 ý kiến (xấp xỉ 70%). Tương tự, website Chính phủ với Người dân hoạt động từ ngày 3-4-2017 cũng đã nhận, xử lý được 705 ý kiến.

Có thể khẳng định, những kết quả còn khiêm tốn trên đã khẳng định động thái thực hiện chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” của Chính phủ là hết sức quyết liệt. Dư luận tin rằng, với cách làm của “Chính phủ kiến tạo và hành động”, trong tương lai gần, môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, những rào cản thủ tục pháp lý sẽ không còn “ngáng chân” doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những tín hiệu hết sức lạc quan cho nền kinh tế trong tương lai.

VIỆT CƯỜNG