Yêu cầu đặt ra cho nhà trường các cấp là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và đào tạo nhân lực trong thời đại toàn cầu hóa.
Sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh minh họa.
Đón trước cơ hội về thành tựu công nghệ thông tin, mấy năm gần đây, ngành Giáo dục và nhiều nhà trường đã thực hiện các giải pháp như bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị máy vi tính, máy chiếu cho lớp học; tham gia lập và sử dụng “Nguồn học liệu mở” về đề thi, giáo án, tài liệu tham khảo trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); khai thác tài nguyên trên internet phục vụ công tác quản lý và giảng dạy của cán bộ, giáo viên… Trong đó, kết quả đáng kể nhất là Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 lần cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ giáo viên trong cả nước. Chỉ tính riêng Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4-năm 2016 vừa được tổng kết mới đây, đã có hơn 12.200 sản phẩm dự thi. Ban tổ chức lựa chọn được gần 5.000 sản phẩm dự thi đưa lên kho bài giảng e-Learning quốc gia để phục vụ nhu cầu học tập, chia sẻ, tham khảo của học sinh, sinh viên, giáo viên và người dân trên cả nước.
Đối với lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin không chỉ là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học mà còn là phương tiện quản lý giáo dục hiệu quả. Kinh nghiệm từ các nền giáo dục của những quốc gia phát triển cho thấy, phương thức học tập điện tử e-Learning đã tạo ra cơ hội chưa từng thấy để các thầy giáo, cô giáo dễ dàng tiếp cận với những bài giảng tốt, hay; đồng thời tạo thuận lợi cho học sinh chủ động học ở mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời và mở rộng cánh cửa kho tàng tri thức bao la của nhân loại.
Với khối lượng thông tin, tư liệu, kiến thức đồ sộ trong kho bài giảng e-Learning quốc gia hiện nay, vấn đề là làm sao “chuyển hóa” được những hàm lượng, giá trị tri thức to lớn này đến với đông đảo thầy giáo, cô giáo và học sinh. Vì thực tế cho thấy, hiện nay, hệ thống máy vi tính nối mạng, nhu cầu dạy học qua internet chủ yếu tập trung vào phần lớn giáo viên, học sinh, sinh viên tại các thành phố, thị xã và các nhà trường ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Trong khi đó, nhiều thầy cô và học sinh ở các địa phương miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với phương thức học tập tiên tiến này. Mặt khác, cũng do “sức ỳ” của tuổi tác nên một bộ phận giáo viên chưa thật sự thiết tha với việc khai thác, phát huy những thành tựu của công nghệ thông tin vào quá trình dạy học, tự bằng lòng với cách thức dạy học truyền thống.
Để phương thức học tập điện tử e-Learning được triển khai, lan tỏa sâu rộng hơn nữa, đòi hỏi các địa phương và ngành Giáo dục ngoài việc tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy học, cần phải khơi dậy ý thức, trách nhiệm cũng như nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhất là học sinh ở các địa bàn khó khăn có cơ hội được tiếp cận, học tập, tiếp thu những kiến thức, giá trị bổ ích từ kho bài giảng e-Learning của quốc gia.
ANH THẢO