Đây là tin vui đối với toàn xã hội, bởi thực hiện tốt nghị định này sẽ là cơ sở để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Thực tế đã chứng minh cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước; quyết định sự thành công hay thất bại của đường lối, chính sách do cơ quan, tổ chức vạch ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực thi các kế hoạch của cơ quan, tổ chức; thực hiện các giao tiếp (trao đổi, tiếp nhận thông tin...) giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với người dân. Để đáp ứng được nhiệm vụ cao cả đó, cán bộ, công chức, viên chức phải được chuẩn hóa cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ. Muốn chuẩn hóa phải được đào tạo, bồi dưỡng về năng lực công tác, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng đào tạo; học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng, vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không muốn đi học vì đi học có thể bị sắp xếp, điều chuyển vị trí công tác khác không “hấp dẫn” bằng vị trí hiện tại. Cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cán bộ có tuổi cao, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngại đi học vì phải đi tập trung, không phụ giúp được cho gia đình. Mặt khác, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thật phù hợp với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức. Việc đào tạo, bồi dưỡng thông thường chỉ chú trọng về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn.
Người dân hy vọng Nghị định số 101/2017/NĐ-CP sẽ tạo bước đột phá mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thế nhưng, để thực hiện được mục tiêu của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP cần phải có quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương.
Trước hết, cần xác định việc đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị để tránh lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng. Cần áp dụng phương pháp cạnh tranh lành mạnh trong đánh giá, bố trí, sắp xếp, đãi ngộ, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo động lực thúc đẩy sự phấn đấu nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục được tình trạng trì trệ trong công việc. Qua đó, tạo ra nhu cầu thực sự về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng cơ chế, chính sách để tuyển chọn đội ngũ giảng dạy, báo cáo viên chất lượng cao, có kiến thức sâu, rộng, cung cấp cho người học những thông tin thiết thực, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm.
ĐỖ PHÚ THỌ