Trục lợi BHYT là hành vi vi phạm pháp luật, gây áp lực tăng chi lên Quỹ BHYT. Nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả và để hiện tượng này bùng phát có thể dẫn tới nguy cơ vỡ Quỹ BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người có BHYT và có bệnh thực sự.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa theo internet  

Vấn đề đặt ra là tại sao lại có những trường hợp khám bệnh, lấy thuốc nhiều bất thường như vậy? Nguyên nhân được lý giải là, vừa qua, để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia BHYT, các cơ quan chức năng đã cho phép thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tuyến xã, tuyến huyện. Theo đó, người tham gia BHYT có thể khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào trên toàn quốc mà không nhất thiết phải khám, chữa bệnh ở đúng bệnh viện đăng ký trên thẻ bảo hiểm. Lợi dụng quy định này, những người trục lợi BHYT đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau để lĩnh thuốc ra ngoài bán lại. Cùng với đó, do sự thiếu kết nối hạ tầng thông tin giữa các bệnh viện với hệ thống hạ tầng thông tin của BHXH Việt Nam, nên phải sau một thời gian nhất định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới tập hợp đủ thông tin và thống kê được số người và số lượt khám, chữa bệnh BHYT của mỗi người tham gia bảo hiểm. Trong khi chủ trương thông tuyến được đánh giá là đúng đắn và Chính phủ muốn thông tuyến cả ở bệnh viện tuyến trên để người bệnh được cứu chữa kịp thời, thuận tiện nhất, thì sự hạn chế trong kết nối hạ tầng thông tin giữa các bệnh viện với hệ thống hạ tầng thông tin của BHXH Việt Nam chính là kẽ hở lớn để kẻ gian lợi dụng trục lợi.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, hệ thống BHXH Việt Nam nên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về việc trục lợi BHYT sẽ bị xử lý theo pháp luật như thế nào, những hành vi nào bị coi là trục lợi BHYT. Thậm chí, việc tuyên truyền này có thể thực hiện đến tận từng người tham gia BHYT bằng cách in cảnh báo vào mặt sau của thẻ BHYT. Khi từng người tham gia BHYT được tuyên truyền cụ thể, rõ ràng như vậy, những người có ý định trục lợi bảo hiểm sẽ phải chùn bước.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia bảo hiểm nói chung, BHYT nói riêng. Đồng thời, hệ thống hạ tầng thông tin của BHXH Việt Nam cần được kết nối với hệ thống hạ tầng thông tin của toàn bộ bệnh viện được tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Khi đó, những trường hợp có dấu hiệu bất thường như khám bệnh, lĩnh thuốc quá nhiều lần dù ở nhiều bệnh viện, nhiều địa phương khác nhau cũng sẽ bị phát hiện kịp thời hơn, từ đó có biện pháp ngăn chặn, tránh gây thiệt hại lớn cho Quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng nên phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, điều tra sớm những trường hợp có dấu hiệu trục lợi BHYT để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi có những trường hợp cụ thể bị áp dụng chế tài xử lý thì tác dụng răn đe, phòng ngừa sẽ lớn hơn.

THÙY LÂM