Tuần vừa rồi về quê, gặp chú tôi là một đảng viên lâu năm, ông than thở: “Mấy nhiệm kỳ đại hội chi bộ mà vẫn chưa có bí thư mới. Đảng viên trong chi bộ phần lớn đã cao tuổi, nhiều người khi được “vận động” vào cấp ủy đã giãy nảy lên vì ngại trách nhiệm, sợ vất vả khi tham gia các công tác ở chi bộ và thôn. Đồng chí bí thư mặc dù đã xin rút mấy lần nhưng không có nhân sự mới nên đành chấp nhận tại vị”.

Một chuyện khác ngay tại một tổ dân phố của Hà Nội nơi tôi sinh sống xảy ra cách đây chưa lâu. Đại hội chi bộ bầu được cấp ủy đúng ý định, trong đó đồng chí phó bí thư dự kiến giới thiệu để bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Tuy nhiên, sau đại hội chi bộ, thực hiện quy trình để bầu tổ trưởng, phần lớn nhân dân lại không nhất trí mà giới thiệu một người khác không phải đảng viên để dự bầu và sau trúng cử làm tổ trưởng tổ dân phố.

Hai câu chuyện trên không phải là cá biệt trong thực tế về công tác nhân sự các chi bộ thôn, tổ dân phố ở các địa phương hiện nay.

 Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn

Những khó khăn, vướng mắc ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn nhân sự cấp ủy ở không ít nơi còn hạn chế, dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên ở các chi bộ, nhất là ở nông thôn, khu phố.

Nguồn cán bộ nơi đây chủ yếu là những người đã hết tuổi lao động, người về hưu có thâm niên 10 đến 20 năm, thậm chí 25 năm, phân công lần lượt đảm nhiệm công việc ở thôn, xóm. Người trẻ tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ thấp vì công tác phát triển đảng còn khó khăn, số đảng viên trẻ thường là lao động chính, phải tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, trong khi tham gia công tác ở cơ sở, phải đảm nhiệm đủ các việc “thượng vàng, hạ cám”, từ tổ chức các phong trào sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, đến cuộc sống sinh hoạt, xích mích mâu thuẫn, ma chay, hiếu hỷ...

Mặt khác, trong công tác chuẩn bị nhân sự, nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, chưa đúng nguyên tắc, quy trình chưa hợp lý, “ý Đảng” chưa hợp với “lòng dân”, còn tình trạng "dĩ hòa vi quý", nể nang, đơn giản, ngại va chạm, ngại trách nhiệm hoặc bè cánh, cục bộ... nên chất lượng, cơ cấu chưa đạt yêu cầu, kết quả bầu cử chưa phản ánh đúng thực tế, ảnh hưởng tới công tác lãnh đạo và hoạt động của chi bộ thôn, tổ dân phố... 

Để khắc phục tình trạng này, cần các giải pháp tổng thể về tư tưởng, tổ chức và chính sách, trong đó phải nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương, biện pháp trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Thôn, bản, tổ dân phố không phải là cấp hành chính nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong chuyển tải, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nơi trực tiếp tiếp xúc với dân, thực thi chính sách, quyết định đến từng hộ dân, nắm bắt, phản ánh kịp thời những vấn đề của thực tiễn với các cấp.

Trong chuẩn bị nhân sự đại hội chi bộ nhiệm kỳ hiện nay, cần thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình, chủ động làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng, rà soát, giới thiệu những đảng viên tiêu biểu, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao và uy tín vào cấp ủy.

Những nơi đủ điều kiện, thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Nghiên cứu áp dụng mô hình giới thiệu những đảng viên được quần chúng nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố... sau đó mới đề cử tham gia dự bầu cấp ủy khi tiến hành đại hội.

Lựa chọn nhân sự vào cấp ủy khóa mới là một nhiệm vụ trọng tâm của đại hội các chi bộ, liên quan trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện các công tác lãnh đạo ở cơ sở. Cấp ủy khóa mới là những hạt nhân, những “đầu tàu” ở chi bộ, ở các thôn, tổ dân phố cần được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, lựa chọn chính xác, đãi ngộ phù hợp...

HOÀNG TIẾN