Tại các địa phương này, dù đã có quy hoạch về các mỏ đất nhưng do nhu cầu ít nên chưa có doanh nghiệp nào đăng ký xin cấp phép khai thác vì sợ lỗ. UBND các huyện là chủ đầu tư công trình, dự án đối mặt với khả năng chậm tiến độ vì không có đất san lấp mặt bằng, trong khi tài nguyên đất đai, đồi núi điệp trùng mà phải về xuôi mua đất chở lên, chi phí tăng cao... Theo quy định hiện hành, UBND các huyện không đủ thẩm quyền giải quyết, đành phải làm tờ trình kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, đến nay vẫn chưa có kết quả.

Dân tộc ta có thành ngữ “Chở củi về rừng”, nghĩa là: Không biết tính toán, làm một việc không hợp lý, đem những vật phẩm về nơi sản xuất ra nó hoặc nơi đã có quá nhiều, thì chuyện chở đất lên núi cũng tương tự, chỉ khác là ai cũng nhận thấy rõ nghịch lý đó và có thể tính toán, đề xuất được cách giải quyết phù hợp, nhưng thật khó hiểu khi vấn đề vẫn đang tồn tại.

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một số đánh giá tại hội thảo thật day dứt: “Nghệ An vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề chưa có giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển”; “một tỉnh “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong tốp những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước. Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí tốp đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Câu chuyện chở đất lên núi là một ví dụ về "điểm nghẽn" ở Nghệ An.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề Nghệ An cần có tư duy phát triển mới; không gian phát triển mới; nguồn lực phát triển mới; lĩnh vực phát triển mới, mang tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực bên ngoài và khai thông nguồn lực tại chỗ ở các địa phương.

Trong quá trình phát triển, việc nảy sinh các mâu thuẫn, nghịch lý là khách quan. Điều quan trọng là cần kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, nghịch lý đó, nhanh chóng phát hiện và xử lý các vấn đề mà thực tiễn, thực tế đặt ra để khơi thông dòng chảy cuộc sống. Đối với những vấn đề tương tự như chở đất lên núi, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng tập trung trí tuệ, tâm sức đưa ra các phương sách hữu hiệu để giải quyết hợp lý, hợp tình như một số tỉnh bạn đã làm, trong khi chờ đợi những quy định pháp luật hiện hành đã không còn phù hợp được sửa đổi, hoàn thiện. Và mong sao với tư duy mới, những cơ chế, chính sách ban hành mới sẽ “lường trước” sự vận động phát triển để làm sao những nghịch lý trớ trêu như chở đất lên núi không xảy ra!

TRẦN HOÀI