Bất cứ thể chế chính trị hay nền hành chính quốc gia nào, dù có ưu việt đến đâu, nếu không lấy “thước đo” từ cuộc sống, từ sự hài lòng của người dân làm tiêu chí để phấn đấu, xây dựng bộ máy chính quyền thì sẽ không thể theo kịp được sự phát triển của đất nước; không thể bảo đảm cho mọi người dân có khả năng tiếp cận và sử dụng đầy đủ các dịch vụ có chất lượng một cách công bằng, tốt nhất, ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi trình độ dân trí của người dân ngày một cao.
Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều trong cải cách thủ tục hành chính. Từ nhiệm kỳ 2011-2015 đến nay, Chính phủ luôn khẳng định, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền các cấp là thước đo quan trọng để nâng cao chất lượng CCHC đối với cơ quan Nhà nước, các tổ chức từ Trung ương tới địa phương. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng và vận hành chính quyền điện tử gắn liền với trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp xã; ứng dụng công nghệ thông tin để giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký trực tuyến khi xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, chứng thực chứng chỉ… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người dân, doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực. Chưa kể khoảng cách trong cung cấp dịch vụ có chất lượng giữa các địa phương, giữa người dân ở vùng sâu, vùng xa và người dân ở thành thị vẫn còn có sự khác biệt lớn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo Đánh giá chỉ số hài lòng của người dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức sáng 14-3-2017. Ảnh: sggp.org.vn
Để xây dựng một nền hành chính phục vụ như Chương trình CCHC tổng thể Chính phủ đặt ra, đến năm 2020 có 80% người dân hài lòng về sự phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp, thì công tác CCHC cần phải đẩy mạnh hơn nữa ở tất cả các khâu, các bước; phải làm sao tiết giảm tối đa về thời gian đi lại, công sức, tiền của của nhân dân mỗi lần đi đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết công việc, nhất là đối với người già yếu, người tàn tật ở các địa bàn hẻo lánh, xa xôi. Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành cũng phải thường xuyên tạo điều kiện để người dân, tổ chức có cơ hội tham gia góp ý và giám sát vào quá trình xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, nhất là lĩnh vực cung ứng dịch vụ công. Bởi người dân chính là người bầu ra hệ thống chính quyền các cấp. Họ có quyền được hưởng những dịch vụ mà hệ thống chính quyền cung cấp theo Hiến pháp và luật pháp đã cam kết ban hành.
Để chỉ số “thước đo” thật sự chính xác, phát huy được hiệu quả trong phản ánh thực trạng về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước, ngoài biện pháp điều tra xã hội học, phát phiếu hỏi, thông qua điều tra trực tuyến để nắm bắt..., các bộ, ngành, địa phương cũng cần định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp để nắm bắt về chất lượng của cơ quan hành chính trong quá trình phục vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được việc đo lường sự hài lòng của mình đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước là rất quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ giúp cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được cảm nhận của người dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính mà còn đề ra các giải pháp phù hợp để xây dựng một nền hành chính phục vụ.
HOÀNG GIA MINH