Chênh lệch giá quá lớn từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng trong những ngày qua đã gióng lên hồi chuông báo động về chi phí lưu thông và phân chia lợi nhuận. Cả người sản xuất và người tiêu dùng đều chịu thiệt.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc chênh lệch giá thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng quá cao, nhiều người đổ lỗi do Covid-19. Điều này là có thật, bởi lẽ do dịch bệnh nên chi phí vận chuyển phải tăng do lái xe phải xét nghiệm Covid-19, rồi phải qua nhiều chốt, mất thời gian cho khai báo y tế...

 Ảnh minh họa: Vnexpress

Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu cộng tất cả chi phí vận chuyển, chi phí phát sinh rủi ro thì từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, giá thịt không thể tăng gấp đôi, giá rau không thể tăng gấp 10 lần được. Rõ ràng, lợi nhuận rơi vào khâu trung gian và túi người bán hàng. Do dịch Covid-19 căng thẳng nên nhiều địa phương không cho phép mở các chợ vỉa hè, chợ “xanh”, chợ “cóc”, người bán hàng rong. Những cửa hàng bán thực phẩm phải có giấy phép kinh doanh. Lợi dụng điều này, một số chủ cửa hàng, kể cả các siêu thị đã tăng giá bán và người tiêu dùng đành phải chấp nhận với sự lựa chọn này.

Để quản lý giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, chúng ta đã có Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh lực thương mại... Trong đó đã có những chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả, nhất là đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính. Người vi phạm còn có thể bị các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, xử lý hình sự... Tiếc rằng, do quá tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch nên nhiều địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này. Đây cũng là “lỗ hổng” quản lý trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, cần phải “bịt’’ lại ngay.  

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là với các loại hàng thực phẩm thiết yếu, việc cần kíp lúc này ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là phải kiểm soát chặt chẽ giá cả. Không thể để lợi nhuận từ khâu sản xuất lại rơi vào khâu trung gian và bán lẻ như hiện nay. Giảm chênh lệch giá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cũng là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19.

ĐỖ PHÚ THỌ