Cho đến nay, hầu như chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh lên khi mức sinh đã xuống quá thấp. Với sự phát triển ấn tượng những năm qua, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế về kinh tế-xã hội. Dù vậy, chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật chung, đó là đối mặt với thách thức về chất lượng dân số.

Để chủ động ngăn ngừa thực trạng trên, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách về dân số từ rất sớm. Việc mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" là bước đi cần thiết. Có nhiều nội dung đáng chú ý trong Quyết định 588 như các chính sách ưu đãi đối với những gia đình sinh đủ 2 con; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con, sinh con thứ hai trước tuổi 35...

Ảnh minh họa: Vnexpress.net. 

Thực tiễn chứng minh, không có khoa học dẫn đường thì chúng ta chỉ là những người mò mẫm trong màn đêm. Khoa học về lĩnh vực sinh học đã chỉ ra rằng, việc kết hôn trước tuổi 30 để sớm sinh con ở những ngưỡng tuổi này là tốt nhất. Đây là độ tuổi đủ mọi yếu tố về tâm sinh lý để lập gia đình. Việc kết hôn cũng có lợi cho sức khỏe. Và quan trọng nhất, đây là độ tuổi sinh con để bảo đảm một công dân ra đời được thừa hưởng những yếu tố tốt nhất về di truyền học, như: Sức khỏe thể chất, trí tuệ. Trong khi đó, các nghiên cứu xã hội học cho thấy, hôn nhân giúp làm giảm tỷ lệ tội phạm cũng như gia tăng các hoạt động từ thiện và tình nguyện cộng đồng.

Chuyện mức sinh xuống thấp ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển ở nước ta đã là thực tế chứ không còn là cảnh báo. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nước ta duy trì được mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 đến 2,2 con). Qua đợt tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, hơn 20 tỉnh, thành phố hiện không đạt được mức sinh này. Đồng Tháp chỉ đạt 1,34 con; TP Hồ Chí Minh: 1,39 con; Tây Ninh: 1,53 con; Bình Dương: 1,54 con; Cần Thơ: 1,66 con… Trong khi đó, khu vực khó khăn thì lại có mức sinh cao (miền núi và trung du phía Bắc: 2,69 con; có tỉnh hơn 3 con). Thực tế này nếu không có giải pháp sẽ dẫn đến chất lượng sống giữa các vùng ngày càng cách biệt. Với một quốc gia thì cần duy trì được mức sinh thay thế giữa các vùng để bảo đảm được một cơ cấu dân số hợp lý, vì sự phát triển bền vững.

Để có được chất lượng dân số tốt cần một chiến lược tổng thể, lâu dài. Từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước đến các biện pháp can thiệp dựa trên cơ sở khoa học, công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình... Điều này đã và đang được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Còn đối với mọi công dân, cần sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức, thói quen đến hành động, trong đó nhất thiết có vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Kết hôn và sinh con ở những ngưỡng tuổi nào là quyền của mọi công dân nên Nhà nước chỉ đưa ra khuyến khích chứ không quy định bắt buộc. Dù vậy, cũng đã đến lúc mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ cần có sự định hướng, nhìn nhận thấu đáo vấn đề quốc gia đại sự này. Mỗi cá nhân ngoài trách nhiệm với chính mình thì hãy có trách nhiệm với chính thế hệ tương lai của mình. Một công dân ra đời có quyền được thừa hưởng những điều kiện tốt nhất từ bố mẹ cũng như điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục. Đây cũng là nguồn lao động, nguồn nhân lực tốt cho sự phát triển đất nước. Vì lợi ích của chính mỗi chúng ta, mong rằng mọi người cùng chung tay hành động.

NGUYỄN HÀ MY