Trên nhiều cung đường hiện nay, vẫn còn không ít ô tô tải chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng, đất, đá.... chất thành ngọn, lưu thông cả ngày lẫn đêm, trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của người đi đường. Có những chiếc xe khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện chở quá tải trọng cho phép gấp nhiều lần. Cần phải khẳng định rằng, xe quá tải là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng giao thông. Do chịu sự "cày ải" của những chiếc xe tải trọng lớn, đường sá nhanh hư hỏng hơn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.

leftcenterrightdel
Hệ thống cân tải trọng xe tự động tại Tỉnh lộ 741 Bình Dương. Ảnh: daidoanket.vn 

Để giải quyết vấn nạn xe quá tải, các chiến dịch ra quân của lực lượng chức năng đã được triển khai. Một số trạm kiểm tra tải trọng phương tiện được lắp đặt dọc theo tuyến quốc lộ trên cả nước. Việc kiểm tra tải trọng xe cũng được thực hiện ở đầu nguồn hàng hóa, bến cảng, kho bãi, nơi sản xuất vật liệu xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản... Kết quả đạt được từ các đợt ra quân là rất khả quan, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần tạo chuyển biến trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể lúc nào cũng căng mình trên các tuyến để tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải. Do vậy, cần có giải pháp để việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục, không bỏ sót, lọt phương tiện trong điều kiện nhân lực còn hạn chế.

Việc áp dụng kiểm tra tải trọng xe tự động đã được triển khai thí điểm trên Quốc lộ 5 và tại một số tuyến cao tốc. Ưu điểm của hệ thống cân tự động là có thể giám sát tải trọng đối với 100% xe đi qua, không cần nhân lực vận hành trực tiếp, cho kết quả nhanh chóng, chính xác. Từ kết quả thí điểm, việc nhân rộng mô hình này, đặc biệt trên tuyến cao tốc Bắc-Nam là rất cần thiết, bảo đảm khi đưa vào khai thác toàn tuyến có thể ngăn chặn triệt để xe quá tải, giúp nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.

Để phát huy hiệu quả tối ưu, hệ thống cân tự động cần được triển khai đồng bộ, tránh chỗ có chỗ không, nơi lỏng nơi chặt, dễ dẫn đến tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa tạo khe hở để người vi phạm có thể trốn tránh, đối phó. Cùng với các tuyến cao tốc, nên tiếp tục mở rộng lắp đặt cân tự động trên các tuyến quốc lộ và những tuyến huyết mạch khác. Kinh nghiệm từ xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải cho thấy, khi áp dụng các biện pháp xử phạt nguội qua camera hay các thiết bị tự động đã góp phần tích cực thay đổi thói quen xấu, hành vi không đúng mực của người tham gia giao thông. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa tuân thủ nghiêm các quy định, quy tắc giao thông khi đi đường.

ĐỖ MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.