Quan điểm và cách làm của Hà Giang là không nặng về chỉ tiêu và những con số cơ học trong giảm biên chế, bằng mọi giá để cắt giảm số lượng một cách cơ học. Cũng không nóng vội dồn dịch các tổ chức, cơ quan theo kiểu giảm đầu mối mà giữ nguyên số lượng cán bộ; không để tình trạng chỗ này thu lại, chỗ kia phình ra, mà nhất thiết phải hướng đến 3 nội dung, yêu cầu quan trọng: Trước hết là phải thanh lọc được những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức; thứ hai là hướng đến giải quyết triệt để việc chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; thứ ba là tăng tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chức, làm quyết liệt ở mọi cấp, chú trọng vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Với quan điểm thẳng thắn, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy các cấp, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã tinh giản đáng kể công chức, qua đó tiết kiệm kinh phí chi trả lương, phụ cấp tương đương 23 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận nữa là hầu hết cán bộ cơ sở nghỉ việc đều xác định tốt tư tưởng, nhờ có các chính sách xã hội phù hợp đã bảo đảm cuộc sống và uy tín cho đội ngũ này. Các cán bộ được giữ ở lại vị trí công tác đều là những người có uy tín với tổ chức và nhân dân, khi kiêm nhiệm vị trí chức danh nào thì được hưởng 100% phụ cấp chức danh đó, giúp đời sống cán bộ cơ sở, nhất là ở cấp thôn, bản từng bước được nâng cao.
Ở khối các cơ quan, việc tinh giản biên chế, dồn dịch vị trí công tác được công khai về chủ trương và mục tiêu, bảo đảm phù hợp chuyên ngành và sở trường của cán bộ. Bằng cách làm đó, đến nay, tỉnh Hà Giang đã tinh giản được khoảng 200 vị trí công tác và cán bộ; sáp nhập một số cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như tại Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù về biên chế tổng thể, đơn vị còn thiếu, nhưng ở một số bộ phận trực thuộc, việc tinh giản biên chế vẫn thực hiện quyết liệt. Đảng ủy và cơ quan công khai hóa chủ trương và số lượng cán bộ sẽ tinh giản đến năm 2020; cụ thể các vị trí theo từng năm, qua đó giúp cán bộ xác định rõ mục tiêu, phương hướng phấn đấu của mình. Đặc biệt, nhờ dồn dịch, sắp xếp lại tổ chức biên chế một cách công minh, khách quan, nên hạn chế thấp nhất đơn thư khiếu kiện; công chức có thể chuyển sang vị trí công tác của viên chức, hoặc ngược lại...
Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc khó, bởi liên quan đến con người và tổ chức. Những năm gần đây, việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đã và đang được nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… quyết liệt triển khai thực hiện, đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Từ thực tế ở Hà Giang và một số địa phương cho thấy, phương pháp, cách thức tinh giản biên chế ở mỗi nơi có khác nhau, nhưng công việc này sẽ đạt hiệu quả cao hơn, nếu cấp ủy và hệ thống chính trị đều quan tâm tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ cấp trên đến cơ sở, hướng đến mục tiêu cao nhất là chữ “tinh” của đội ngũ cán bộ; cán bộ cốt “tinh” chứ không cốt đông. Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải đạt được mục tiêu cuối cùng, cao nhất là nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức, bộ máy của đội ngũ cán bộ, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị. Đó là yêu cầu khách quan, cấp thiết, cũng là điều mong đợi, đòi hỏi bức thiết của quần chúng nhân dân.
NGUYỄN TẤN