Đầu tiên là phòng nhận hồ sơ của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội không có máy photocopy. Khi nhân viên tòa án yêu cầu người dân in sao bất cứ giấy tờ nào thì phải đi qua sân nắng chang chang để ra cổng, vào phòng bảo vệ rồi sử dụng dịch vụ từ máy photocopy cỡ nhỏ. Nhân viên bảo vệ cho biết, chiếc máy này là do “anh em bảo vệ” góp tiền mua để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”, vì thấy nhiều người có nhu cầu in sao mà trong tòa án lại không có dịch vụ, phải chạy ra phố rất xa. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN

 

Cũng ở phòng nhận hồ sơ, chúng tôi chứng kiến câu chuyện của ông Phạm Thế Vĩnh, 85 tuổi, ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông Vĩnh có hẹn với một cán bộ của tòa án lúc 16 giờ. Đúng giờ hẹn, ông Vĩnh có mặt nhưng nhân viên phòng nhận hồ sơ lại cho biết là cán bộ đã xuống phòng lúc hơn 14 giờ nhưng không thấy ông đâu nên đã lên phòng làm việc. Ông Vĩnh hỏi tại sao hẹn giờ một đằng lại xuống gặp một nẻo, và tại sao xuống sớm không báo với ông Vĩnh một lời, trong khi đã có số điện thoại của ông thì nhân viên phòng nhận hồ sơ không giải thích được, cũng không dám gọi điện cho vị cán bộ nọ để mời xuống làm việc với ông. 

Đến việc của anh bạn tôi, nhân viên tòa án nói các hồ sơ kháng cáo đã đầy đủ, chỉ cần phải đóng tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng. Thế nhưng muốn đóng được tiền này thì anh bạn tôi phải đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cách đó khoảng 10km. Đóng tiền xong thì mang biên lai quay trở lại đưa cho nhân viên tòa án. Tôi hỏi nhân viên tòa án là sao tòa án không phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thành phố thực hiện một cửa, hay là tổ chức thu hộ, hoặc là nộp tiền trực tuyến qua ứng dụng để đỡ gây phiền hà cho người dân? Nhân viên tòa án cho biết: Quy định hiện nay là như vậy!

Chỉ qua một buổi chứng kiến các TTHC mà người dân phải thực hiện mới thấy để TTHC không còn gây phiền hà thì vẫn cần rất nhiều nỗ lực. Trong đó, sự bất tiện gây tâm lý không thoải mái khi người dân thực hiện các TTHC không hoàn toàn do quy định của pháp luật còn những vướng mắc mà nhiều khi chỉ là do cách thức tổ chức thực hiện các TTHC, rồi thái độ ứng xử của cán bộ, công chức đối với nhân dân. 

Những năm qua, hệ thống chính trị của chúng ta coi cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng mức độ hài lòng, thiện cảm của người dân đối với các cơ quan công quyền. Nhiều giải pháp cải cách hành chính đã được thực thi như cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử... Thế nhưng, rõ ràng TTHC vẫn là cụm từ mà mỗi lần nhắc tới, người dân còn rất dè dặt và bất an. 

Do vậy, nên chăng cần có một phần mềm toàn quốc để người dân chấm điểm các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các TTHC, cùng với đó là góp ý những điểm còn hạn chế của cơ quan, đơn vị đó. Phần mềm ấy giúp người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước là Thủ tướng Chính phủ có thể biết được tương đối chính xác, thực chất việc cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, để việc cải cách hành chính thực chất hơn, ở mỗi cơ quan, đơn vị cho tới mỗi cán bộ, công chức cần phải tự đặt mình vào vai người dân, để rồi tự phát hiện những điều vô lý, bất cập trong các TTHC mà mình đang trực tiếp giải quyết, đề xuất giải pháp cải thiện. Cải cách hành chính có thể chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ.

MINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.