Song, cũng vì chưa hiểu hết giá trị những bộ áo dài, “lạm dụng” nét văn hóa duyên dáng của áo dài mà nhiều người sử dụng chưa đúng, hoặc cách tân thái quá, lố lăng, gây phản cảm...
Mới đây, trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, cô “siêu mẫu”-thành viên hội đồng giám khảo xuất hiện trước công chúng trong bộ áo dài “xuyên thấu”. Những hình ảnh phản cảm ấy lập tức lan truyền trên mạng xã hội với những nhận xét không tốt. Trước ồn ào đó, cô siêu mẫu đã đăng đàn, lên tiếng giải thích rằng đó là sự cố ngoài ý muốn. Thế nhưng, mấy ai tin được lý do cô này đưa ra là không lường được ánh sáng flash từ máy ảnh. Bởi, một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thời trang nói thế thật khó chấp nhận.
 |
Áo dài truyền thống Việt được mặc nhiều vào dịp lễ, Tết. Ảnh: hoilhpn.org.vn. |
Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng văn hóa truyền thống, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Chính vì vậy, mỗi khi mặc áo dài chính là lúc mỗi phụ nữ Việt Nam đang gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Vẻ đẹp của áo dài vì thế tô điểm thêm vẻ đẹp duyên dáng riêng có của người phụ nữ Việt Nam; đồng thời cũng là một “sứ giả văn hóa” giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Do đó, việc sử dụng cũng như cách tân trang phục này trong suốt chiều dài lịch sử luôn tồn tại những chuẩn mực.
Vẫn biết thời trang là sản phẩm của sáng tạo, nhưng nếu cách tân trang phục, đặc biệt là trang phục truyền thống mà không nghiên cứu kỹ lưỡng, không vững kiến thức văn hóa thì trở nên kệch cỡm, lạc điệu...
Không chỉ với trang phục áo dài mà trong thời gian qua, nhiều bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam cũng là “nạn nhân” của những sự cố "sáng tạo". Việc một ban nhạc trẻ dùng khăn piêu của dân tộc Thái để làm khố là một ví dụ điển hình... Nhưng có lẽ, gây sốc nhất vẫn thuộc về những sản phẩm được cho là “trang phục dân tộc” mà các người đẹp Việt Nam mang tới để “khoe” tại nhiều cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế. Trang phục bánh mì, cà phê phin sữa đá, xe xích lô... và thậm chí có nhà thiết kế còn “sáng tạo” không tưởng khi lấy cảm hứng sáng tạo trang phục từ bàn thờ tổ tiên. Gần đây, phần thi mang tên “trang phục dân tộc” của một cuộc thi tổ chức ngay tại Việt Nam với những sản phẩm bánh tráng trộn, chiếu Cà Mau... cũng khiến người xem hoang mang bởi tính dân tộc chưa thấy đâu mà chỉ thấy nặng tính hư cấu, cắt ghép, mô phỏng. Đó là sự sáng tạo mang tính thời trang hay chính là sự thể hiện trình độ văn hóa, trình độ thẩm mỹ của những người có liên quan.
Mọi sự sáng tạo, cách tân, đặc biệt là liên quan tới bản sắc, truyền thống đều phải dựa trên nền tảng văn hóa nhất định, không thể chạy theo kiểu giật gân, câu khách để đánh mất bản sắc. Không vì mượn cớ sáng tạo mà phá cách, phá hoại, giẫm đạp lên những chuẩn mực văn hóa được cộng đồng gìn giữ và bồi đắp qua thời gian. Tôn trọng nguyên tắc, tôn trọng những giá trị văn hóa cốt lõi là nền tảng để mỗi người lập thân, lập nghiệp, góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc.
HÀ ANH