Người lao động ở một số ngành nghề cụ thể có thể làm thêm nhiều hơn, nhưng không quá 300 giờ/năm. Quy định khống chế số giờ làm thêm tối đa xuất phát từ chính sách bảo vệ người lao động, bảo đảm người lao động không bị vắt kiệt sức lực, có thời giờ nghỉ ngơi hợp lý để chăm lo cho gia đình và tái tạo sức lao động.

Trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có rất nhiều bệnh nhân chuyển nặng do chưa được tiêm vaccine, lực lượng thầy thuốc ở tuyến đầu chống dịch phải trực và làm việc triền miên hết ngày này tới ngày khác vài tháng trời để cứu chữa người bệnh. Giờ làm thêm của họ chắc chắn không chỉ là 40 giờ/tháng, 200 giờ/năm, mà cao hơn thế rất nhiều lần. Nếu theo đúng pháp luật về lao động, họ cũng chỉ được nhận tiền lương làm thêm không quá 40 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm!

leftcenterrightdel
Công nhân ngành may trong giờ làm việc. Ảnh minh họa: TTXVN 

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, ở nhiều lĩnh vực khác trong hệ thống cơ quan nhà nước, do đặc thù công việc, thời giờ làm thêm của cán bộ, công chức thực tế thường xuyên cao hơn mức tối đa quy định trong Bộ luật Lao động. Một số bạn học cùng trường đại học thi thoảng gặp tôi thường phàn nàn về việc cơ quan nhiều việc, thường xuyên phải về nhà muộn, những lúc cao điểm có khi còn phải làm việc qua đêm tại cơ quan.

Thời gian làm thêm rất nhiều, nhưng chỉ được cơ quan thanh toán tiền lương làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm theo quy định. Tôi thắc mắc: Tại sao trong cơ quan cấp Trung ương lớn mà vẫn tồn tại chuyện như vậy? Bạn tôi trả lời: Cơ quan có yêu cầu "làm hết việc, không làm hết giờ", việc thì nhiều mà người thì ít nên thế. Một số người không chịu được áp lực nên đã xin ra ngoài làm.

Ở cơ quan nhà nước đã thế, người lao động ở khu vực ngoài nhà nước còn khó được bảo vệ quyền lợi như thế nào, khi họ là nhóm đối tượng yếu thế so với người sử dụng lao động?

Quy định xuất phát từ mục tiêu rất nhân văn, tưởng chừng bảo vệ tốt nhất cho người lao động, vô hình trung lại đưa người lao động vào thế bất lợi!

Để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, chúng ta cần có những quy định mang tính mở hơn trong một số trường hợp nhất định. Đó là những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì thời giờ làm thêm không bị khống chế tối đa; trường hợp theo yêu cầu công việc mang tính đặc thù, có quyết định huy động lao động làm thêm giờ của lãnh đạo cơ quan nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, thì thời giờ làm thêm tối đa có thể cao hơn 40 giờ/tháng, 200 giờ/năm.

Khi người lao động đã làm thêm giờ thì tiền lương làm thêm giờ phải được thanh toán đầy đủ theo số giờ làm thêm thực tế, bất kể việc làm thêm vượt khung thời gian quy định của pháp luật hay không. Việc thống kê thời gian lao động vượt khung và trả lương đầy đủ cho người lao động dù ở các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp đều rất cần thiết, một mặt để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, mặt khác còn để các cơ quan nhà nước nắm được thực tế, qua đó có sự điều chỉnh lao động hợp lý, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những bất hợp lý trong phân bổ và sử dụng cán bộ, công chức; để lãnh đạo doanh nghiệp thấy được nhu cầu sử dụng lao động thực tế và có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động.

Quan trọng là tổ chức công đoàn trong trường hợp này phải phát huy vai trò, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tuyệt đối tránh "mũ ni che tai" cốt để bảo vệ mình!

CHIẾN THẮNG