Tăng giờ làm thêm, nên hay không?

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất có nội dung đề xuất quy định 4 nhóm lao động (chưa kể các trường hợp khác do Chính phủ quy định) có thể được làm thêm từ 200 giờ đến 400 giờ mỗi năm.

Theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong báo cáo một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhu cầu làm thêm giờ là có thật, cả về phía NLĐ và NSDLĐ. NLĐ có nhu cầu làm thêm giờ vì tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống. NSDLĐ muốn tăng thời gian làm thêm cho NLĐ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng lưu ý, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề NLĐ được nâng lên, làm cho năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên. Việc tăng thời giờ làm thêm có thể dẫn tới hậu quả NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Phát biểu về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống của NLĐ. Mục tiêu từ xưa đến nay vẫn là tăng lương, giảm giờ làm cho NLĐ. Việc tăng giờ làm chỉ nên được thực hiện để phục vụ những đợt thi đua đột xuất nhằm hoàn thành một mục tiêu nào đó cần tiến hành trong thời gian ngắn.

Xuất phát từ thực tiễn hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của tình hình thế giới và năng suất lao động chậm được cải thiện, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đồng ý với kiến nghị của Chính phủ tăng thời giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm. “Trong bối cảnh hiện nay, cả NLĐ và doanh nghiệp phải "đồng cam cộng khổ" để cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời gian tới. Khi nền kinh tế trở lại một giai đoạn phát triển tốt hơn, chúng ta sẽ đưa ra những mục tiêu tăng lương, giảm giờ làm”, Chủ tịch VCCI nói.

Từ góc nhìn của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, nếu đánh giá kỹ thì nhu cầu tăng giờ làm sẽ làm lợi cho NSDLĐ nhiều hơn. Tăng thời giờ lao động sẽ giúp NSDLĐ không phải tuyển thêm lao động, giảm chi phí bảo hiểm xã hội và nhiều khoản chi phí khác. Từ đó, Trưởng ban Dân nguyện không đồng tình với đề nghị mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa. Bên cạnh đó, Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị quy định rõ mức trần thời giờ làm thêm mỗi ngày, mỗi tháng để tránh trường hợp NSDLĐ dồn hết thời giờ làm thêm vào một dịp nào đó, ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều giới và nhiều đại biểu Quốc hội về xu hướng tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm. Hơn nữa, nguyên tắc, tư tưởng của chúng ta là cải thiện, bảo vệ sức lao động cho NLĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ, bảo đảm sự phát triển bền vững không chỉ cho NLĐ mà còn cho cả xã hội và đất nước. “NLĐ cứ quần quật làm việc trong nhà máy 48 giờ một tuần thì họ không có thời gian đâu để chăm sóc gia đình, con cái, chưa nói là bản thân họ có được tái tạo sức lao động không, sau đó xã hội nếu nhìn về tương lai như thế nào?”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề.

Không đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, pháp luật phải theo xu hướng tiến bộ, bám sát nguyên tắc đất nước phát triển hơn thì người dân Việt Nam, trong đó có NLĐ và NSDLĐ phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, phải được hưởng thành quả nhiều hơn từ lợi ích của sự phát triển đất nước. Thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu tăng đơn hàng, nhưng không muốn tăng thêm chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm NLĐ, nên giải pháp làm thêm giờ là tối ưu cho NSDLĐ. Như vậy là bóc lột sức lao động. Đó cũng là lý do khiến Chủ tịch Quốc hội không đồng ý với đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm.

Làm thêm giờ chưa được hưởng lương hợp lý

Theo quy định hiện hành, NLĐ làm thêm giờ được trả lương bằng ít nhất 150% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm vào ngày thường, ít nhất 200% vào ngày nghỉ hằng tuần hoặc ít nhất 300% vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đánh giá rõ vấn đề NLĐ làm thêm giờ có thực sự được hưởng tiền lương làm thêm giờ như các quy định của Bộ luật Lao động hay không? Doanh nghiệp hiện nay trả lương cho NLĐ theo đơn giá sản phẩm, nên NLĐ khi làm thêm giờ đúng là có thêm thu nhập, nhưng thu nhập tăng thêm đó không phản ánh đúng giá trị thời giờ làm thêm mà đáng lẽ NLĐ được hưởng và không đúng mong muốn của Nhà nước khi xây dựng chính sách. NSDLĐ luôn muốn tăng năng suất lao động, tranh thủ để NLĐ mang lại hiệu quả tốt nhất, nhưng tiền lương trả cho NLĐ đã thực sự hợp lý chưa?

Nhấn mạnh rằng, giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong của Đảng và của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng pháp luật phải nhằm tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho NLĐ được phát triển, được nâng cao trình độ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực tiễn thị trường lao động cho thấy, NLĐ luôn ở thế yếu nên cần vai trò của Nhà nước, cần có Bộ luật Lao động để quy định hành lang pháp lý ứng xử trong lao động. “Tôi đề nghị chúng ta đánh giá sâu hơn nữa về nguyên nhân, về công tác quản lý. Trong này chưa nói gì về nguyên nhân thuộc về công tác quản lý, về công tác thanh tra, kiểm tra cũng như những quy định về cơ chế trả lương, chế độ tiền lương làm sao để cho hai bên NSDLĐ và NLĐ thương lượng được tốt, có hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm, đã là làm thêm giờ thì tiền lương phải khác với tiền lương làm trong giờ lao động bình thường và đề nghị phải có đánh giá tác động về nội dung này.

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy, nhận được 170 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và 26 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Sau khi UBTVQH cho ý kiến, dự luật sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện một lần nữa trước khi trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ tám sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này.

CHIẾN THẮNG