Đến nay, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt mối đe dọa từ bầu trời như tên lửa đạn đạo, máy bay tàng hình, máy bay không người lái cùng với địa hình chiến đấu đặc biệt phức tạp (khu vực biên giới nhiều đồi núi, rừng cây, đầm lầy), việc tiếp cận chiến trường không phải lúc nào cũng thực hiện được nên radar trên không nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại, với các loại phổ biến là radar trên máy bay và radar vệ tinh.

 Radar trên không AN/APG-68(V)XM được lắp trên máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Ảnh tư liệu

Radar trên máy bay với nhiệm vụ chính là hỗ trợ máy bay tiêu diệt mục tiêu trên không, trên biển và trên đất liền. Nhiệm vụ này không hề đơn giản vì với mỗi loại mục tiêu, mỗi loại môi trường đòi hỏi các loại radar khác nhau với công nghệ tương ứng. Ngoài ra, radar máy bay còn có chức năng trinh sát, chụp ảnh địa hình, dẫn đường, phối hợp với máy bay bạn, dẫn đường tên lửa, chống tác chiến điện tử. Việc thiết kế radar hoạt động trong nhiều chế độ khác nhau cùng với các giới hạn về kích thước, trọng lượng là những thách thức chính của radar máy bay. Một số radar máy bay nổi bật như AN/APG-68(V)XM được lắp trên máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, trọng lượng chỉ 164kg, có vùng phát hiện là 65km với chế độ trên không và 50km với chế độ mặt đất, góc quét 120 độ cả góc tà và phương vị.

Bên cạnh đó, radar đo độ cao trên máy bay ngày càng được hoàn thiện và phổ biến bằng cách đo khoảng thời gian kể từ khi tín hiệu phát đi từ radar đập vào địa hình dưới máy bay rồi phản xạ lại, máy bay có thể xác định được độ cao của mình so với địa hình bên dưới. Máy bay chiến đấu sử dụng radar đo độ cao để tự động duy trì một độ cao nhất định so với mặt đất, qua đó cho phép máy bay bay rất thấp (đôi khi dưới 30m) để tránh sự phát hiện của radar đối phương. Ngoài ra, radar đo độ cao còn được sử dụng để tối ưu hóa điểm phát nổ của đầu đạn nhằm tối đa hóa sức phá hủy của tên lửa. Một số radar đo độ cao được sử dụng hiện nay là AN/APQ-110 trên máy bay F-111 hay RF-4C trên máy bay Phantom II.

Hoạt động tại các tầng điện li (cách bề mặt trái đất từ 80km đến 1.000km), các radar vệ tinh có nhiệm vụ trinh sát, giám sát, phát hiện, có thể hỗ trợ đồng thời nhiều loại nhiệm vụ, chiến thuật với các cấp độ quan trọng khác nhau. Radar vệ tinh có những lợi thế đặc biệt so với radar trên máy bay như: Khả năng bao phủ rộng, thậm chí có thể bao phủ cả trái đất; có thể quan sát những khu vực mà máy bay không thể tiếp cận như chiến trường, các khu vực phòng không; thời gian hoạt động lâu (không cần dừng lại để tiếp liệu), hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết.

Tuy nhiên, radar vệ tinh cũng gặp những trở ngại lớn do giới hạn về kích thước, cân nặng và công suất của vệ tinh; điều kiện nhiệt độ, phóng xạ trong không gian. Hiện nay trên thế giới, các nước lớn đều có các hệ thống radar vệ tinh quân sự của riêng mình như: Lacrosse của Mỹ, Kondor của Nga, Huanjing của Trung Quốc, SAR-Lupe của Đức, RISAT của Ấn Độ. Đặc điểm chung của các hệ thống này là đều sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) nhằm tạo ra các bức ảnh có độ phân giải cao và vùng bao phủ rộng.

MINH NGỌC