Theo Đại úy Nguyễn Văn Dũng, đơn vị có chức năng khảo sát, đo đạc, nghiên cứu biển, xây dựng, sản xuất hải đồ, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kinh tế, giao thông vận tải, hàng hải... Nhiệm vụ của đoàn liên tục phát triển, số lượng đề tài, dự án nhiều, số liệu đo đạc các yếu tố hải dương học hằng năm rất lớn. Việc xử lý số liệu sau đo đạc rất quan trọng, song đơn vị chủ yếu thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian, độ chính xác của số liệu sau xử lý phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người xử lý. Bên cạnh đó, nguồn số liệu từ nhiều loại thiết bị, khí tài khác nhau nên khó khăn trong lưu trữ, tìm kiếm và sử dụng sau này. Điều đó đòi hỏi cần có công cụ xử lý chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, tích hợp được các số liệu, thiết bị, bảo đảm thống nhất.
 |
Cán bộ, nhân viên Đội 4 (Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển) ứng dụng phần mềm xử lý số liệu hải dương học phục vụ chuyên môn. |
Từ yêu cầu trên, Đại úy Nguyễn Văn Dũng đề xuất và được chỉ huy đoàn cho phép nghiên cứu, xây dựng phần mềm xử lý số liệu hải dương học. Quá trình thực hiện đề tài, anh đã nghiên cứu các phương pháp đo đạc và xử lý số liệu hải dương học của nước ngoài, nhất là những nước có nền thủy đạc phát triển như: Pháp, Anh, Nhật Bản... để lựa chọn phương án ưu việt nhất. Nguyễn Văn Dũng còn có thuận lợi là năm 2018, anh được học tập, nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu biển của Pháp, tiếp cận với phần mềm DORIS do viện này phát triển. Tuy nhiên, phần mềm DORIS chỉ đáp ứng với riêng hệ thống của Pháp, rất khó ứng dụng, phát triển trong điều kiện nước ta. Trên thị trường cũng chưa có phần mềm miễn phí hoặc thương mại chuyên dụng để xử lý số liệu hải dương học.
Khắc phục khó khăn trên, Đại úy Nguyễn Văn Dũng đã nỗ lực nghiên cứu, phân tích số liệu, định dạng, cấu trúc dữ liệu đo đạc các yếu tố hải dương học vật lý (nhiệt độ, độ mặn, vận tốc âm...) thu được từ các chủng loại đo đạc khác nhau; xây dựng các thuật toán xử lý số liệu; lập trình các mô-đun tính năng của phần mềm; kết nối các mô-đun và hoàn thành giao diện phần mềm. Để có sản phẩm hoàn chỉnh, anh đã nghiên cứu các tài liệu về quy phạm, quy tắc hải dương; xử lý số liệu hải dương học; lý thuyết toán xác suất, thống kê, các thuật toán tìm và lọc nhiễu số liệu... Phần mềm sau khi xây dựng được chạy thử, đánh giá, hoàn thiện. Sản phẩm cuối cùng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; ứng dụng công nghệ cao với những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên không chỉ tự động xử lý số liệu, cho kết quả chính xác mà còn có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, gọn nhẹ, tiện lợi; tích hợp được với nhiều thiết bị khác nhau.
Phần mềm xử lý số liệu hải dương học đưa vào sử dụng đã loại bỏ được sai sót do yếu tố chủ quan, không phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của người xử lý; rút ngắn thời gian xử lý số liệu, giảm nhân lực, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Đề tài sáng kiến đã được Hội đồng Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân tặng giải A năm 2020.
Bài và ảnh: HƯƠNG NGÂN