Các biện pháp SPS (Kiểm dịch vệ sinh động thực vật) do EU đề ra là tương đối chặt chẽ. Vì thế, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU trước hết là phải hiểu biết rõ ràng về các quy định SPS của EU, tìm ra cách thức hiệu quả và tiết kiệm chi phí để tuân thủ các quy định này.
Dự án MUTRAP III đã thực hiện một khảo sát về các quy định TBT (Rào cản kỹ thuật trong thương mại) và SPS (Kiểm dịch vệ sinh động thực vật) của EU đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, xác định những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải trong việc tuân thủ, phân tích tác động của các quy định này đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam, xem xét mối liên kết giữa các Văn phòng SPS và TBT với các doanh nghiệp xuất khẩu để từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp.
 |
Thủy sản là đối tượng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của các quy định SPS. |
Thủy sản, rau quả… là đối tượng chính
Cá và thủy sản có vỏ, cà phê, gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, gỗ, rau quả, mật ong… là các Các mặt hàng nông- thủy- sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam. Trong đó, cà phê, chè, gỗ và gạo thường không gặp phải các rào cản kỹ thuật chặt chẽ dưới hình thức các biện pháp vệ sinh dịch tễ mặc dù nước nhập khẩu có thể áp dụng quy định bắt buộc không có dư lượng bảo vệ thực vật hay mức độ nhiễm khuẩn quá mức cho phép. Trái lại, cá và thủy sản có vỏ lại là đối tượng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe, vệ sinh động vật. Rau quả cũng có thể bị hạn chế bởi các biện pháp SPS.
Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất vào EU trong số trên là cá và thủy sản có vỏ. Việc gia tăng trao đổi thương mại các mặt hàng này đòi hỏi Chính phủ phải xây dựng luật điều chỉnh và thành lập các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Xuất khẩu thủy sản đã tăng nhanh trong vòng 20 năm qua và cơ cấu đang thay đổi theo chiều hướng chuyển sang sản phẩm có giá trị cao hơn dưới hình thức chế biến sẵn cho các siêu thị. Việt Nam hiện có trên 300 cơ sở sản xuất đủ điều kiện để xuất khẩu cá và thủy sản có vỏ sang EU. Một lợi ích cũng rất quan trọng của việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao đối với các mặt hàng xuất khẩu này là chúng cũng có thể được tiêu thụ trong nước.
Được biết, châu Âu nhập khẩu khoảng 1/5 tổng khối lượng rau quả tươi (FFV) xuất khẩu của Việt Nam nhưng con số này mới chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả tươi của EU- thị trường nhập khẩu nhiều nhất thế giới. Năm 2005, 15 nước thuộc EU đã nhập khẩu khoảng 120 triệu đô la Mỹ rau quả tươi từ Việt Nam. Trong đó, thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng triển vọng nhất; ngô bao tử, ớt và nấm cũng có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lớn trong tương lai. Nhìn chung, việc xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp, sấy khô, nước ép, đông lạnh, ngâm dấm hoặc chế biến khác ít gặp phải rào cản SPS hơn các sản phẩm tươi sống.
Ngoài ra, Việt Nam không phải nước xuất khẩu lớn các sản phẩm từ vật nuôi (trừ mật ong) và trong tương lai gần, Việt Nam sẽ rất khó khăn để cạnh tranh với các nước xuất khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gà lớn trên thế giới ngay cả khi đã tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu SPS của EU.
Xây dựng ngành thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc tế
Các biện pháp SPS là những quy định do chính phủ đề ra nhằm bảo vệ sức khỏe động thực vật, bảo vệ con người trước những rủi ro nhất định về an toàn thực phẩm và các căn bệnh lây nhiễm qua động vật. Hiệp định SPS quy định các quốc gia thành viên của WTO có thể áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tự bảo vệ trước những rủi ro được liệt kê trong Hiệp định nhưng đi kèm với một số điều kiện nhất định để đảm bảo các biện pháp là chính đáng, áp dụng một cách minh bạch và không phân biệt đối xử. Nhìn chung, các biện pháp SPS do EU đề ra là tương đối chặt chẽ. Vì thế, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU trước hết là phải hiểu biết rõ ràng về các quy định SPS của EU, tìm ra cách thức hiệu quả và tiết kiệm chi phí để tuân thủ các quy định này.
|
Nhìn chung, để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch động thực vật, các nhà sản xuất và thương nhân phải tốn kém chi phí không nhỏ. Trong trường hợp thị trường xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn các tiêu chuẩn của Việt Nam, chẳng hạn như tiêu chuẩn của EU, làm tăng đáng kể chi phí xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ như chi phí kiểm nghiệm để chứng minh không có dư lượng thuốc trừ sâu trong các lô hàng xuất khẩu có thể rất cao so với lợi nhuận, nhưng không nên kết luận các tiêu chuẩn của EU là “quá cao”.
Theo Hiệp định SPS, các nước thành viên của WTO có thể lựa chọn mức độ bảo vệ mong muốn và có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của con người, động thực vật nếu các biện pháp đó không vi phạm các điều khoản của Hiệp định. Thậm chí theo Hiệp định SPS, EU có thể áp dụng các quy định chặt chẽ so với các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng (như trường hợp với tiêu chuẩn về độ nhiễm độc tố nấm mốc hoặc chất 3-MPCD trong thực phẩm) nếu hiệu quả của biện pháp đó có thể minh chứng được qua đánh giá rủi ro và EU phải quản lý rủi ro một cách nhất quán.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải biết chấp nhận các yêu cầu của EU đối với hàng hóa nhập khẩu trong ngắn hạn và thực hiện các hành động cần thiết để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu này, trừ khi Việt Nam tin rằng có thể khởi kiện biện pháp SPS của EU theo quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Theo cách tiếp cận này, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng các chi phí liên quan trước khi quyết định xuất khẩu sang EU.
Đối với mặt hàng thủy sản, từ góc độ Việt Nam, tác động quan trọng nhất của các biện pháp SPS của EU là ở chỗ cho thấy ngành thủy sản Việt Nam cần phát triển như thế nào để có thể khai thác tốt được thị trường rộng lớn này. Trong số đó, tuân thủ các tiêu chuẩn của EU là điều kiện tiên quyết để có thể thâm nhập vào thị trường. Do đó, nếu muốn bán hàng sang EU, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đầu tư xây dựng ngành thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mức lợi nhuận hiện tại của ngành thủy sản cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU có thể được bù đắp được từ lợi nhuận thu về.
Đồng thời, sự phát triển của ngành xuất khẩu thủy sản sẽ là hình mẫu cho việc hướng tới mục tiêu tạo dựng chỗ đứng cho các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam trên thị trường giá trị cao của các nước phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, việc tuân thủ các biện pháp SPS là hết sức khó khăn. Ví dụ như việc nâng cao năng lực cho ngành thủy sản để đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước phát triển như EU đòi hỏi sự hiệp lực của chính phủ và các ngành. Sản xuất các sản phẩm thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn EU đặt ra nhiều đòi hỏi về đội tàu, vận tải vào bờ, các trang trại nuôi thả, phương tiện bảo quản, nhà máy chế biến, phòng thí nghiệm phân tích..., đồng thời với sự phát triển song song đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực tư nhân, thiết lập cơ chế quản trị tin cậy về thông lệ sản xuất, tăng cường năng lực quản lý và các cơ quan giám sát. Ngoài ra, chi phí cho các phương diện này chưa thể xác định chính xác nhưng chắc chắn sẽ rất lớn. Lợi ích nằm ở việc Việt Nam có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao không chỉ cho châu Âu mà còn cho Hoa Kỳ, Nhật, Úc và các thị trường yêu cầu cao về vệ sinh thực phẩm. Sự phát triển liên tục và nhanh chóng của hoạt động xuất khẩu cho thấy cả người mua và người bán đều có lãi khi tuân thủ các yêu cầu vệ sinh dịch tễ của nước nhập khẩu.
Theo Báo Công Thương