Trao đổi về tình hình triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Canada cũng tham gia, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo nhằm đạt thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Do đó, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ trong tính toán luận cứ khoa học, kỹ thuật, điều kiện công nghệ, nguồn nhân lực để giải các "bài toán" khi phát triển năng lượng tái tạo như bảo đảm cân bằng, ổn định hệ thống điện nền; chi phí truyền tải; giá bán...

leftcenterrightdel

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác hại. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Phó thủ tướng, nhu cầu tài chính để thực hiện JETP đã được công bố nhưng các quốc gia cần làm rõ cơ chế hợp tác giữa các chính phủ với khối tư nhân, giữa các doanh nghiệp với định chế tài chính quốc tế. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, xây dựng dự án cụ thể, tính toán các vấn đề pháp lý, từ đó khái quát thành cơ chế, chính sách quốc gia.

Phó thủ tướng đánh giá cao quan điểm, chính sách của Canada đối với ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, sáng kiến "Thách thức định giá carbon toàn cầu" có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Canada có thể chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, công cụ định giá carbon nhằm hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng thị trường carbon.

Đại sứ Catherine Stewart bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó thủ tướng về những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai JETP cũng như hướng giải quyết. Canada coi hợp tác triển khai JETP với Việt Nam như hình mẫu để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu… 

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.