Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

leftcenterrightdel

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, giám sát về năng lượng. 

Về thị trường năng lượng, đoàn giám sát cho rằng đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đang trở thành một ngành kinh tế năng động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước; hạ tầng năng lượng ngày càng được tăng cường. 

Giá xăng dầu trong nước được điều hành để cơ bản phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Đã bước đầu hình thành thị trường phát điện và bán buôn điện. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán, đánh giá, cân nhắc tương đối đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp năng lượng Nhà nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, phát huy vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Trong lĩnh vực khai thác than và các dịch vụ hỗ trợ ngành than đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tích cực tham gia trên thị trường chứng khoán. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nêu rõ một số hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này. Đó là thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chưa đạt mục tiêu đề ra, thiếu liên thông giữa các phân ngành năng lượng, cơ chế, chính sách giá năng lượng còn bất cập. 

Tiến độ hình thành thị trường điện triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra; vận hành thị trường điện gặp các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là điều kiện và cơ cấu ngành điện. Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, quy định về thời gian cho vay và gia hạn nợ còn bất cập, hạn chế. Việc chuyển giao, tiếp nhận công trình điện do tư nhân đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, vận hành còn vướng mắc trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu nhà nước, chuyển giao, tiếp nhận tài sản.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với trường hợp đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. 

Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng; việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần; giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện; còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện. 

Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn bất cập như việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ; việc xây dựng khung giá phát điện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ chế khuyến khích hiện nay chưa đủ sức thu hút các nhà máy điện BOT tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%. Có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước. Trong giai đoạn gần đây, thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu hụt nguồn cung và gặp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế điều hành giá…

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.