Ngày 26-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Thi (2003-2013)...
QĐND Online - Ngày 26-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Thi (2003-2013).
Những năm 1940, Nguyễn Đình Thi tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
 |
Quang cảnh lễ tưởng niệm. |
Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã nhắc lại công lao to lớn của nhà thơ Nguyễn Đình Thi với tư cách là một nhà quản lý văn nghệ đầy trách nhiệm, đã lãnh đạo văn học nghệ thuật làm tốt nhiệm vụ cổ vũ, động viên sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh về phẩm chất của một nghệ sĩ đa tài trong con người Nguyễn Đình Thi. Ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại những dấu ấn đậm nét. Khiêm tốn về số lượng với hai bài hát là “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” cũng đủ chứng mình ông là một nhạc sĩ tài năng. Về văn học, ngoài các tiểu thuyết sử thi ngồn ngộn chất sống như: “Mặt trận trên cao”, “Vỡ bờ”..., Nguyễn Đình Thi đã tiên phong mở đường cho đổi mới thơ ca Việt Nam bằng loại thơ tự do không vần hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Ngoài thành công về thơ ca, Nguyễn Đình Thi còn là nhà viết kịch lớn với các tác phẩm kinh điển như: “Con nai đen”, “Rừng trúc”. “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”... Đồng thời, Nguyễn Đình Thi cũng là nhà lý luận văn học sắc sảo với các tiểu luận: “Mấy vấn đề văn học”, “Công việc của người viết tiểu thuyết”...
Với những đóng góp to lớn cho văn học nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Trên hết, các tác phẩm của ông đã đi vào lòng công chúng, được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến.
Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG