Tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tại Bộ Quốc phòng đã diễn ra Diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa”. Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải đồng chủ trì Diễn đàn.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; các đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam: Trung tướng Đỗ Căn, Trung tướng Lê Hiền Vân; Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó tổng cục trưởng TCCT Công an nhân dân (CAND).
 |
Thượng tướng Lương Cường và Thượng tướng Nguyễn Văn Thành chủ trì diễn đàn. |
Tại diễn đàn các đại biểu đã tập trung trao đổi xoay quanh các nội dung như: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp và các đơn vị Quân đội trong phối hợp thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp tuyển quân; Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo; kỹ năng, phương thức cần thiết trang bị cho giới trẻ trong xử lý các vấn đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phát huy vai trò của tuổi trẻ đấu trong đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên mạng xã hội…
 |
Thượng tướng Lương Cường trao đổi với các đại biểu. Ảnh: ÔNG QUỐC CHÍNH |
Phát biểu tại diễn đàn, Thượng tướng Lương Cường đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự, rất cụ thể, thiết thực, thể hiện tâm huyết trách nhiệm của tuổi trẻ với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Thượng tướng Lương Cường cho rằng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được xác định rất rõ trong Nghị quyết Đại hội XII, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
 |
Các đại biểu tham gia diễn đàn. |
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, Thượng tướng Lương Cường đề nghị: Tuổi trẻ cả nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trọng tâm là quán triệt hệ thống quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX, Nghị quyết số 28 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn cần tăng cường tuyên truyền trong nhân dân và thanh thiếu niên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Đây là nội dung nền tảng quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tổ quốc; xây dựng cơ sở chính trị, củng cố niềm tin của thanh thiếu niên vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống quê hương, truyền thống dân tộc, cơ quan, đơn vị, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Lương Cường mong muốn thế hệ trẻ cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; học tâp và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; xung kích tham gia thực hiện các chương trình, dự án, cuộc vận động hướng về biên giới hải đảo; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, về nguồn, vận động thanh niên xung phong đến làm việc, công tác tại nơi khó khăn, biên giới hải đảo.
Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới
Diễn đàn “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Cùng dự diễn đàn còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.
 |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thanh niên là lực lượng nòng cốt quan trọng, vừa là chủ thể vừa tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thanh niên hãy quan tâm đến nông nghiệp nông thôn và khởi nghiệp trong là những lĩnh vực khó nhất, đang chịu nhiều áp lực nhất hiện nay”.
Các đại biểu tại diễn đàn cho biết: Trong ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng số lượng nhất, nhì thế giới nhưng bản chất nền nông nghiệp vẫn là năng suất lao động, năng suất kinh tế còn thấp so với 2 khu vực kinh tế khác cho nên hiệu quả kinh tế đến người dân thấp, thu nhập không cao. Nền nông nghiệp dự trên quy mô hộ nhỏ lẻ. Việt Nam đang có khoảng 10 triệu hộ nông dân, 77 triệu miếng ruộng, đất đai manh mún mà đi lên sản xuất hiện đại rất khó khăn, giá thành sản xuất cao và khó quản trị về chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bất kể ở đâu, vùng đất đất hay khu vực nào đều có thuận lợi và khó khăn riêng, quan trọng là thanh niên phải tìm ra và khai thác lợi thế của vùng đất đó. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, vốn cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là là khát vọng của tuổi trẻ, là ý tưởng sáng tạo, là khoa học kỹ thuật… “Nếu có khát vọng, thanh niên sẽ tìm ra lợi thế và giải pháp giải quyết những khó khăn khi khởi nghiệp”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn TNCS HCM) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Sự phát triển của KH&CN trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra cơ hội mới cho các quốc gia đang phát triển có thể rút ngắn quá trình hiện đại hóa đất nước. Đối với Việt Nam việc phát triển KH&CN đóng vai trò rất quan trọng, đòi hỏi toàn bộ thể chế chính trị và toàn xã hội cùng chung tay góp sức. Trong đó, thanh niên là nhân tố quyết định. Nhận thức rõ vai trò của thanh niên trong quá trình phát triển đất nước, Bộ KH&CN đã tạo điều kiện, cơ hội để các nhà khoa học trẻ có quyền tham gia, đóng góp và xây dựng ngành KH&CN. Bộ đã ký kết nhiều chương trình hành động, nghị quyết liên tích với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tạo điều cho các bạn trẻ những sân chơi mang tính tri thức, hỗ trợ sản phẩm sáng tạo của thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên.
“Các bạn thanh niên khi mới khởi nghiệp phải có tinh thần không sợ thất bại. Từ những lần thất bại đó đúc kết những kinh nghiệm để tiếp tục tham gia vào phong trào khởi nghiệp. Có như vậy, mới thu hút đ ược đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần. Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí và vai trò của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, góp phần cùng với ngành KH&CN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tại diễn đàn, các chuyên gia kiến nghị, cần xác định vai trò quan trọng của Đoàn TNCS HCM trong việc tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, đề cao sự sáng tạo. Hình thành cộng đồng, câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ để kết nối đội ngũ tri thức trẻ. Nâng cao vai trò của tổ chức đoàn trong việc tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát huy tài năng trẻ để tránh chảy máu chất xám. Cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, bảo vệ, bảo hộ nghiên cứu sáng tạo, tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của đội ngũ tri thức trẻ. Ngoài ra, đưa khởi nghiệp trở thành môn học trong các trường đại học. Nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên tại các trường đại học có kiến thức, chuyên môn và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn thanh niên…
Chính sách cho sự phát triển thanh niên Việt Nam
Tại trụ sở Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức diễn đàn “Chính sách cho sự phát triển thanh niên Việt Nam”.
Tham dự diễn đàn có Bộ Nội vụ có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa; đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ CHí Minh; cùng đại diện Ban Dân vận Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các bộ, ngành cơ quan liên quan.
Chào mừng các đại biểu về tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Bộ trưởng Lê Vinh Tân nhấn mạnh, Đoàn thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng. Trong hơn 80 năm qua, đoàn đã phát huy vai trò địa vị của mình về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, lực lượng thanh niên thực sự là đội ngũ xung kích cách mạng, không ngại gian khổ, sẵn sàng tham gia vào những công việc của đất nước. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thời gian qua việc xây dựng chính sách cho thanh rất được quan tâm. Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn phát động phong trào cán bộ trẻ xung kích.
Tuy nhiên việc thể chế hóa thanh niên còn chậm, còn một số vấn đề bất cập, do đó Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu ra mục tiêu phát triển thanh niên trong thời đại mới để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu ban hành các thể chế chính sách pháp luật cho thanh niên. Phát huy vai trò của thanh niên, lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên. Sửa đổi Luật Thanh niên để quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của thanh niên…
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, sử dụng và quản lý tài nguyên môi trường
Tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã diễn ra diễn đàn đối thoại “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Ban của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hơn 150 đại biểu tiêu biểu cho thanh niên cả nước về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI.
 |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại diễn đàn. |
Tại Diễn đàn, các đại biểu trực tiếp đối thoại, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề đoàn viên thanh niên cả nước quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với đồng chí Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng các đơn vị chức năng của bộ. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Định hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước với vấn đề bảo vệ mội trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường; Cơ chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đầu tư phát triển các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…
Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thanh niên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực và thực hiện nhiều chương trình, chính sách để cải thiện ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Bộ quyết tâm để khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) thân thiện với môi trường, sản xuất thép nhưng không hi sinh môi trường. Đây cũng là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nền kinh tế dựa trên việc bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên.
Cũng tại chương trình, Bộ Trưởng bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã chia sẻ về thêm về cơ chế, chính sách của bộ trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, sử dụng và quản lý tài nguyên môi trường. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần cần có sự liên kết để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, chú trọng phát triển kinh tế nhưng không gây ảnh hưởng xấu môi trường.
Thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đại biểu đã tham gia diễn đàn “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần phát triển thể thao, du lịch”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự và đối thoại với các đại biểu tại diễn đàn.
 |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại diễn đàn. |
Tại diễn đàn, các đoàn viên, thanh niên đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến góp ý cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, nổi bật là các chủ đề như: Sử dụng các di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống dân tộc cho đoàn viên, thanh niên; Thanh niên với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Phát huy vai trò bảo tàng, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trong giáo dục thanh thiếu niên hiện nay thông qua mô hình “Học cùng di sản và trải nghiệm thực tế”; Thanh niên làm gì để gìn giữ được giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình; Văn hóa ứng xử trong giới trẻ hiện nay; Thực trạng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho thanh niên nói chung, thanh niên vùng sâu, vùng xa nói riêng; Giải pháp phát triển thể chất, tầm vóc thanh niên Việt Nam....
 |
Toàn cảnh diễn đàn. |
Khẳng định vai trò của lực lượng thanh niên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên là lực lượng nòng cốt xung kích trên mọi mặt trận. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi thanh niên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kế thừa phát huy cao độ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, những năm gần đây, phần lớn thanh niên Việt Nam đã phát huy vai trò, góp phần quan trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên bộc lộ những hạn chế trong nhận thức, có biểu hiện sai lệch về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống. Diễn đàn này thực sự là cơ hội để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến của thế hệ trẻ, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai vận mệnh của đất nước, trong đó có các vấn đề văn hóa dân tộc.
Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển
Tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển”. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, đại diện lãnh đạo bộ đã trao đổi với các đại biểu.
Các đại biểu tại diễn đàn đều cho rằng, hiện tại, các nhà trường chưa có bộ phận chuyên trách phụ trách lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp. Bộ GD-ĐT cần có cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người làm công tác khởi nghiệp trong các nhà trường. Giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng tài liệu khởi nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh, sinh viên, tài liệu cho cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp cũng rất cần thiết…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như tổ chức mô hình "chuyến xe khởi nghiệp" nhằm đưa sinh viên đi thực tế, trải nghiệm, tham gia sâu hơn vào các dây chuyền sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần thành lập các diễn đàn về khởi nghiệp trên mạng, tương tự như "sàn giao dịch" để sinh viên trao đổi ý tưởng.
Một số ý kiến của đại biểu về khởi nghiệp cho rằng Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung khởi nghiệp vào các nhà trường, và chỉ đạo các nhà trường bắt buộc phải thực hiện như chương trình chính khóa. Việc "bắt buộc" này mới khiến các nhà trường đặt nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp ở vị trí quan trọng, từ đó đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và có kế hoạch bài bản hơn trong việc đưa ra các hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên.
Theo anh Hải, nhà trường cần có bộ phận kết nối với các trung tâm khởi nghiệp của tỉnh, thành phố. Bộ phận này cũng kết nối với các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên về kinh phí hoặc tư vấn, tập huấn miễn phí. Với sự kết nối này thì những ý tưởng sáng tạo tốt mới có cơ hội tiếp tục được nuôi dưỡng.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, đại biểu của Tỉnh đoàn Bến Tre, cho rằng Bộ GD-ĐT cần triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hơn việc dạy học tích hợp từ bậc phổ thông để học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó, lồng ghép giáo dục hướng nghiệp, giáo dục về khởi nghiệp ngay đối với đối tượng học sinh trung học.
Cùng với việc hỗ trợ khởi nghiệp, các đại biểu cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần có các giải pháp tích cực hơn trong việc chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc hỗ trợ học sinh, sinh viên đưa nghiên cứu khoa học ứng dụng được vào cuộc sống, đưa các sản phẩm ứng dụng ra được thị trường.
Muốn như vậy, rất cần sự kết nối giữa các bộ, ngành, giữa các nhà trường, ngành GD-ĐT với các quỹ hỗ trợ tài năng, các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này không chỉ ở việc cấp kinh phí mà còn cần chọn lọc, phát hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu có triển vọng để giúp học sinh, sinh viên tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, tránh việc để lãng phí nhiều ý tưởng sáng tạo tốt chỉ dừng lại ở các cuộc thi lấy giải thưởng như hiện nay.
Khởi nghiệp việc làm – Cơ hội thách thức của thanh niên Việt Nam
80% các dự án khởi nghiệp thất bại, làm thế nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tại diễn đàn đối thoại: 'Khởi nghiệp việc làm – Cơ hội thách thức của thanh niên Việt Nam' diễn ra chiều 10-12.
Là Bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Huỳnh Tấn Long cho biết sinh viên rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, nhiều mô hình khởi nghiệp đang được nhân rộng, tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp.
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Tuy nhiên, theo Huỳnh Tấn Long, ngoài kỹ năng, kiến thức, vốn… các bạn trẻ có thể trang bị trong trường ĐH và trang bị thêm, nhiều bạn trẻ đang vướng một số vấn đề, đó là kiến thức liên quan đến chính sách pháp lý, thủ tục hồ sơ liên quan để thành lập các doanh nghiệp, hoặc những chính sách pháp lý về vấn đề an toàn thực phẩm…
“Đây là những vấn đề các bạn chưa tiếp xúc nhiều. Rõ ràng những ý tưởng không phải là không có khả năng thực thi nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những dự án thành công còn hạn chế. Chúng ta cần có thêm nhiều vườn ươm, tư vấn thêm để các bạn có thêm động lực, thêm kinh nghiệm quay trở lại phát triển dự án cần có những mô hình khởi nghiệp để trau dồi thêm cho các bạn trẻ”, anh Long nói. Ngoài những mô hình khởi nghiệm trong nước, Huỳnh Tấn Long cho rằng cần định hướng cho các bạn nhiều mô hình khởi nghiệp quốc tế. Từ đó các bạn có thêm kiến thức mới hỗ trợ cho các bạn nhiều hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngô Tường Vy (Bến Tre) cũng cho rằng, tại các địa phương nên thành lập CLB khởi nghiệp để tạo môi trường cho các bạn trẻ. Không chỉ nhận được hỗ trợ về chính sách, thủ tục hành chính, CLB chính là môi trường để học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp đã thành công trên nhiều lĩnh vực.
“Yếu điểm của các bạn trẻ khởi nghiệp và cũng là nguyên nhân dẫn đến 80% các dự án không thành công là do các bạn chưa tìm hiểu sâu sản phẩm của mình có phù hợp với thị hiếu thị trường, chưa có kinh nghiệm phù hợp với thị trường… Để giải quyết vấn đề này, cách làm thiết thực là mỗi thành viên trong Ban chấp hành CLB sẽ hỗ trợ, 'đỡ đầu' nhóm sinh viên cùng ngành nghề hoạch định về kinh doanh, tài chính makerting… Các bạn trẻ cũng phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi khởi nghiệp để giảm thiểu tối đa rủi ro khi khởi nghiệp”, đại biểu Vy nhìn nhận.
Tin, ảnh: DIỆU THÚY - NGUYÊN THẢO - LÊ DUYÊN