Trường ĐHQG Lào thành lập ngày 5-11-1996. Là trường đại học được hợp nhất từ 10 cơ sở đào tạo trực thuộc các bộ. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQG Lào bao gồm 12 khoa, 2 viện, 4 trung tâm, 11 phòng hành chính, 1 thư viện, 1 cơ sở y tế, 1 trường dự bị đại học. Năm học 2015-2016, ĐHQG Lào có gần 2.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có: 7 GS, 129 PGS, gần 1000 tiến sĩ, thạc sĩ... Tổng số sinh viên đang học tập tại trường là 21.535 sinh viên, trong đó 711 sinh viên nước ngoài (khoảng 300 sinh viên Việt Nam).

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít đến thăm Trường Đại học Quốc gia Lào.. Ảnh : TTXVN 

Quá trình phát triển, ĐHQG Lào đã đào tạo được 89.956 sinh viên. Nhà trường cũng có mối quan hệ hợp tác về chuyên môn trực tiếp với các viện nghiên cứu nước ngoài và các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, kinh nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn; đã ký biên bản ghi nhớ với hơn 100 trường đại học của 31 nước và 14 tổ chức quốc tế.

Trình bày bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Quốc gia Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn mà ĐHQG Lào đã đạt được trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, Khoa tiếng Việt của Trường đã đào tạo hàng trăm sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực giỏi tiếng Việt phục vụ cho cuộc sống và hoạt động hợp tác giao lưu giữa nhân dân hai nước. Tổng Bí thư tin tưởng, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong tương lai không xa, ĐHQG Lào sẽ trở thành một trường đại học hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, lập được nhiều thành tích mới to lớn hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của công cuộc đổi mới.

Dành nhiều thời gian ôn lại lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai dân tộc, Tổng Bí thư chỉ rõ, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc đầy gian khổ, hy sinh trước đây, cũng như trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều khó khăn, phức tạp ngày nay, hai dân tộc Việt - Lào vô cùng tự hào vì luôn nhận thấy ở nhau là những người đồng chí, người bạn thuỷ chung, son sắt, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào vô cùng cao đẹp, như Chủ tịch Xu-pha-nu-vông khắc họa là "cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất". Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã nhiều lần khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy"; "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nói: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

Lý giải nguyên nhân tạo nên sự đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, Tổng Bí thư cho rằng, trước hết, Việt - Lào là hai nước láng giềng của nhau, núi sông liền một dải; cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ... Điều kiện địa sinh thái đó đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào một cách tự nhiên. Từ bao đời nay, hai nước đã gần gũi bên nhau như làng trên, xóm dưới, đúng như lời thơ của nhà thơ Lào Vi-lay-kẹo-ma-ni trong bài thơ "Hai anh em sinh đôi" miêu tả một cách rất sinh động: "Anh ở bên kia, tôi ở bên này. Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ".

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, hai dân tộc Việt - Lào đều giàu lòng nhân ái, bao dung, chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hoá, điều đó giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm, sự sẻ chia về tâm hồn và giá trị. Huyền thoại khởi nguyên về "quả bầu mẹ" là một biểu tượng cao đẹp về nguồn gốc chung và tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do, hai dân tộc cùng chung một hoàn cảnh chịu ách đô hộ của thực dân, đế quốc; hai đảng chúng ta có chung cội nguồn là Đảng Cộng sản Đông Dương. Quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt - Lào không ngừng được củng cố và nâng cao thành một quy luật tồn tại, phát triển, một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước và cả hai nước. Vận mệnh của hai nước, hai dân tộc gắn bó khăng khít; nhân dân hai nước đã trở thành những người bạn chiến đấu "chia ngọt sẻ bùi", "đồng cam cộng khổ", những người đồng chí, anh em thân thiết trên cùng trận tuyến. Với quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, với thiện chí chân tình, thông cảm nhau sâu sắc trên tình đồng chí anh em, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn con em của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào; máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam đã hoà quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng "Đường Hồ Chí Minh" để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, tạo nên một kỳ tích đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất tử. Sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc chúng ta là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Ôn lại nhiều câu chuyện sinh động về tình cảm của các bậc lãnh tụ lão thành của hai nước đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong suốt 30 năm đổi mới vừa qua, hai Đảng, Nhà nước và nhân dân đã kế thừa trọn vẹn truyền thống quan hệ tốt đẹp của các thời kỳ trước và được hai Đảng, hai nước không ngừng vun đắp, phát triển đi vào chiều sâu, là động lực to lớn bảo đảm sự phát triển của hai nước trong những chặng đường tiếp theo... Hơn thế, trong thế giới phát triển đầy biến động và phức tạp hiện nay, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả hai nước; chúng ta trước sau như một, quyết tâm làm hết sức mình để làm cho mối quan hệ thiêng liêng này mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tổng kết những kết quả và bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới. Chúng ta đều khẳng định tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới. Đây chính là sự kiên định về mục tiêu, sự rõ ràng về đường lối của hai Đảng, hai nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới. Trên cơ sở những bài học quý báu qua 30 năm đổi mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, hai đảng, hai nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, xây dựng đất nước Lào và đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng; mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với thầy cô giáo, các bạn sinh viên, cũng như thế hệ trẻ của hai nước về vai trò, vị trí, trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong gìn giữ, phát huy tình hữu nghị của hai đất nước. Tổng Bí thư khẳng định: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn của hiện tại và là chủ thể sáng tạo của tương lai; các bạn chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Tuổi trẻ là tuổi của rèn luyện và phấn đấu, là tuổi của hoài bão và ước mơ. Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã căn dặn: "Thanh niên chúng ta hãy là con chim đại bàng không sợ phong ba bão tố, hãy là Xin-Xay của thời đại chúng ta". Với sức trẻ nhiệt huyết tràn đầy, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, tôi mong các bạn trẻ ra sức tu dưỡng, rèn luyện để có phẩm chất đạo đức trong sáng; nỗ lực học tập để có kiến thức thâm sâu; trở thành một lực lượng hùng hậu, một nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH của mỗi nước và nâng cao hơn nữa sức năng động và hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong tình hình mới.

Sau bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường 30 bộ máy vi tính. Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo cấp cao tham quan khuôn viên, cảnh quan nhà trường; ký lưu bút vào sổ truyền thống nhà trường; cùng cán bộ, sinh viên nước bạn Lào chụp ảnh lưu niệm. Cũng tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trường ĐHQG Lào.

*Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ nước Cộng hòa DCND Lào tại Tượng đài Liệt sĩ ở trung tâm thủ đô Viêng Chăn.

*Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm quan Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản; thăm Nhà Lưu niệm Chủ tịch Xu-pha-nu-vong. Tại mỗi địa danh, Tổng Bí thư đã đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Tượng đài Chủ tịch Xu-pha-nu-vong; cùng các đại biểu cấp cao hai nước tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm. Ký vào sổ lưu niệm ở mỗi di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trân trọng, ghi nhớ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về tình cảm và công lao to lớn của các đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Xu-pha-nu-vong – những người bạn thân thiết của Việt Nam, có nhiều công lao to lớn trong việc đặt nền móng xây dựng, giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, trở thành tài sản quý của hai dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển lên tầm cao mới.

NGUYỄN TẤN TUÂN