Ngành công nghiệp thời trang, một ngành công nghiệp sáng tạo

Ngành công nghiệp hái ra tiền

Công nghiệp sáng tạo được hiểu là những hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân có tiềm năng tạo ra của cải việc làm thông qua quá trình khai thác quyền sở hữu. Công nghiệp sáng tạo là ngành “hái” ra tiền và là mũi nhọn của kinh tế tri thức. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi nhiều nước tập trung đầu tư mạnh cho “con gà đẻ trứng vàng” này.

Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) trong giai đoạn 2007 - 2008, doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp sáng tạo vào khoảng 3.000 tỷ USD. Anh quốc được xem là khu vực sáng tạo lớn nhất châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 7,5% GDP và tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người dân. Nhìn sang các nước Đông Á, công nghiệp sáng tạo là ngành đóng góp lớn vào GDP. Nhiều nước Đông Nam Á đã có chiến lược phát triển công nghiệp sáng tạo và đã thu được kết quả khả quan. Kinh tế Philipine mặc dù không phát triển bằng một sồ nước trong khu vực, nhưng ngay từ 2005, chính quyền nước này đã công bố chiến lược phát triển ngành công nghiệp sáng tạo trong nước, nên ngành công nghiệp sáng tạo đã có bước phát triển và đóng góp vào GDP khoảng 5% và chiếm 11% lực lượng lao động. Cũng tham vọng không kém, Thái Lan đầu tư 500 triệu USD để nâng mức đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo của nước này lên 20% GDP và đưa nước này trở thành trung tâm cùa ngành công nghiệp sáng tạo Đông Nam Á.

“Đỡ đòn” trên sân nhà

Tại Việt Nam, theo ITPC, tiềm lực của ngành công nghiệp sáng tạo là rất mạnh, song đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức về mức đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo vào GDP quốc gia. Tuy nhiên theo ước đoán, mức đóng góp này vẫn con quá nhỏ. Chỉ tính riêng các hoạt động văn hóa thể thao, mức đóng góp vào GDP là 0,44% trong năm 2008. TP Hồ Chí Minh được xem như là trung tâm sáng tạo của cả nước, với hơn 100.000 doanh nghiệp - chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với quy mô vừa và nhỏ - trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp sáng tạo chiếm khoảng 50%. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã xuất khẩu công nghiệp sáng tạo sang Campuchia với các dịch vụ nghỉ dưỡng, du học… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA), điều đáng lo là một số lĩnh vực cụ thể của công nghiệp sáng tạo nước ta đang lép vế, phải vất vả “đỡ đòn” trước sự lấn sân của nước ngoài. Cụ thể là các lĩnh vực kiến trúc, quảng cáo, thiết kế… nhiều công ty của Singapore đang ở thế thượng phong. Ông Phong cảnh báo, nếu không có chiến lược phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp sẽ mất sạch thị phần.

Ông Thiện cho biết: ITPC đang xây dựng một đề án phát triển công nghiệp sáng tạo TP Hồ Chí Minh và sẽ trình lên UBND TP Hồ Chí Minh thông qua. Trong đó, kiến nghị thành phố một số chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Trước mắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. HCM có thể xin vay vốn từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nguồn quỹ vẫn còn tồn khá dồi dào.

Đề thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, công chúng và các nhà quản lý Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành công nghiệp sáng tạo, góp phần đẩy mạnh ngành này trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự phát triển trình độ sử dụng công nghệ trong ngành, ITPC và YBA đã phối hợp tổ chức chương trình Sài Gòn Sáng tạo 2010. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài cung cấp và sử dụng các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cho ngành công nghiệp sáng tạo thuộc bốn ngành: quảng cáo và truyền thông, thiết kế nội thất, tin học – công nghệ thông tin và bao bì – kiểu dáng – tạo mẫu dược chọn triển khai trong năm 2010 sẽ tham gia chương trình. Chuỗi các hoạt động gồm họp báo, đào tạo – huấn luyện, triển lãm trong chương trình sẽ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10-2010.

Theo Báo Công Thương