Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với Trụ sở UBND 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối trực tuyến tới hơn 3.300 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Dự hội nghị có các Phó thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan, Tập đoàn kinh tế lớn; lãnh đạo các địa phương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
|
Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng rất cao, trên diện rộng, trong đó có Việt Nam; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; xung đột leo thang tại một số khu vực mới đây là giữa Israel - Iran, Thái Lan - Campuchia. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ, nhất là qua Biển Đỏ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc.
Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, chúng ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ quan trọng.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Trong đó, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt 8% trở lên trong năm 2025; đàm phán thuế với Hoa Kỳ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; xây dựng và tổ chức triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị; phục vụ chu đáo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV “lịch sử”, tạo đột phá toàn diện về thể chế, phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm; tham gia chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV; tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; tổ chức chu đáo, thành công chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; thúc đẩy để về đích sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước.
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều ngưỡng cảnh báo. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng. Đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại được đẩy mạnh; giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, do đó để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ cả năm, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, phân tích bối cảnh, tình hình và sự ảnh hưởng đến nước ta; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu rõ, phân tích những yếu tố tích cực, tiêu cực và giải pháp ứng phó; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025. Đặc biệt là phải ổn định bộ máy chính quyền các cấp; từng bộ, ngành, địa phương và cả nước cần phải làm gì để đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025; cơ chế, chính sách, giải pháp kích cầu tiêu dùng; các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư; giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Theo chương trình, các đại biểu sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025; tình hình thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình và kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm 2025; công tác cải cách hành chính cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Nhấn mạnh các điểm nổi bật trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương các cấp, ngành, địa phương đã tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, tạo khí thế, niềm tin hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả năm 2025.
Về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cũng như các nguyên nhân của cả kết quả và tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, thời gian tới tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, trong khi nhiệm vụ còn rất nặng nề, bao gồm những nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và xử lý những vấn đề nảy sinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, phải nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát; các bộ, ngành tập trung vào công tác quản lý nhà nước.
Để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện 3 tăng tốc: Tăng tốc tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ tăng trưởng 8% trở lên; tăng tốc, bứt phá giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành 100% mục tiêu trước 31-12; tăng tốc, dồn lực cho việc xóa nhà tạm, dột nát, trong đó hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát cho người có công trước ngày 27-7 và hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 30-8, cũng như hoàn thành vượt mức xây dựng 100 ngàn căn nhà ở xã hội trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, phải thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Phải đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt; không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; đảm bảo chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân; không để các dự án đang triển khai tại các địa phương bị đứt gãy, gián đoạn”, Thủ tướng lưu ý.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ; coi đây là cơ hội để tìm kiếm, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chỉ rõ phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tăng trưởng tín dụng hợp lý; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng; quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi; tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu trên 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để làm an sinh xã hội…
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị tốt, kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 80 năm truyền thống Công an nhân dân, trong đó có Lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình trên cả nước nhân dịp kỷ niệm đặc biệt quan trọng này; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, chính sách mới trong mô hình tổ chức địa phương 2 cấp, xây dựng điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo sức lan tỏa, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, sau hội nghị có tính chất lịch sử này - hội nghị đầu tiên sau khi chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, những nội dung được chỉ đạo, triển khai trực tiếp từ Trung ương tới tận xã, phường; các nhiệm vụ đề ra sẽ được quán triệt, triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích đích thực cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.