Xuất khẩu than tại cảng Cửa Ông (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN

Chiều 27-3, Văn phòng Chính phủ đã có cuộc họp báo về Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì các thành viên Chính phủ đã nghe các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quí I-2008, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, giá cả-thị trường và các giải pháp bình ổn giá, thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát; xem xét, đóng góp ý kiến vào nhiều dự án Luật và một số văn bản pháp quy khác...

Dấu hiệu lạc quan trong khó khăn

Đồng chí Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ba tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng khá là 7,4%, tuy có thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng giá trong tháng 3 thấp hơn và có dấu hiệu chững lại so với tháng 2 là điều đáng mừng cho thấy hiệu quả bước đầu của việc tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, công nghiệp tuy tăng khá, song vẫn giảm 1% so với cùng kỳ năm 2007; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng gây khó khăn cho đời sống nhân dân; mức nhập siêu tiếp tục tăng cao, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu gấp 2,7 lần so với tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu; đầu tư phát triển bị ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng làm giảm thu nhập thực tế của người lao động, tình trạng tái nghèo có xu hướng gia tăng... Đó là những dấu hiệu không tốt, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, tác động đến tâm lý xã hội.

Trong không khí thân tình, thẳng thắn, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: Chúng ta phải đối phó với diễn biến tình hình khá xấu không chỉ ở nước ta mà cả trong phạm vi toàn thế giới. Nhưng ngay trong khó khăn, cũng có thể và cần nhận rõ thuận lợi. Nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao trong nhiều năm, tạo ra tích lũy nhiều mặt, sức mạnh tài chính khá lớn, nên khi gặp khó khăn thì có sức đối phó. Trong đà suy giảm của kinh tế toàn cầu, châu Á (trong đó có nước ta) gặp khó khăn ít hơn. Trong 3 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là một điểm đến thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn nhiều nơi khác. Họ đăng ký đầu tư tới 5,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ ngoại tệ của ta cũng khá hơn, các mặt hàng xuất khẩu của ta đều thiết yếu với đời sống của các nước, như cao su, cà phê, lương thực, thực phẩm, may mặc...

Phó thủ tướng nhấn mạnh: Đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả, dù chỉ mới bước đầu, những giải pháp của Chính phủ kiềm chế lạm phát trong thực tiễn.

Kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng cao và bảo đảm an sinh xã hội

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: Cần nhận rõ thực trạng tình hình, những khó khăn, thuận lợi và giải pháp vượt qua. Phải từ tầm nhìn trung hạn và dài hạn để giải quyết trọn gói vấn đề. Khó có thể giải quyết các vấn đề đặt ra trong một sớm một chiều. Cũng chưa thể nói trong bao nhiêu tháng, song nếu trong một năm mà ổn định và phát triển thì vẫn bảo đảm mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã thống nhất rằng sẽ đề nghị Quốc hội điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ số lạm phát năm 2008 phù hợp với tình hình mới. Ở mức bao nhiêu là do Quốc hội quyết định. Nhưng phải chú trọng ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì khả năng tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp các gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiệm vụ hàng đầu là kiềm chế lạm phát-Phó thủ tướng nhắc lại-phải thực hiện bằng tinh thần quyết tâm cao cùng biện pháp quyết liệt, đồng bộ để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại lòng tin của nhân dân. Đặt rõ mức phấn đấu là kiềm chế chứ không chặn đứng lạm phát. Bởi vì không chấp nhận lạm phát ở mức cần thiết thì không có tăng trưởng, không tăng trưởng thì không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Do đó, nên xác định rõ trong tình hình hiện nay thì tăng trưởng ở mức 7% cũng được coi là cao, trong khi nhiều nền kinh tế đang trong tình trạng tăng trưởng 0% hoặc 1%.

Phó thủ tướng khẳng định: Chúng ta có nội lực để đối phó với những vấn đề liên quan đến sản xuất-đời sống do tác động của tình hình. Chính phủ bàn kỹ từng giải pháp, coi trọng hỗ trợ người lao động và nhân dân vùng thiên tai. Trong khi ổn định giá bán lẻ xăng, dầu từ nay đến cuối năm thì cần 12.000 tỷ đồng; lại cần 4.000 tỷ đồng hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất sau thiệt hại thiên tai, lũ lụt và giá rét; rồi từ năm nay, mỗi năm chi khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng/năm cho học sinh nghèo vay vốn học tập... Trong các giải pháp đó, cắt giảm chi tiêu công sẽ được thực hiện nghiêm, nhưng không giảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách mà phân loại để tập trung cho các dự án, công trình đem lại hiệu quả. Với chi tiêu thường xuyên, phải triệt để tiết kiệm, từ xăng, dầu, điện, trong hội họp... Theo dự kiến của Bộ Tài chính là tiết kiệm 10% tổng chi phí.

Phó thủ tướng nhắc lại ý của Thủ tướng: Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách và giải pháp chống lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống đầu cơ tăng giá. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin chính xác, tạo niềm tin, khí thế trong nhân dân về các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta. Chính phủ kêu gọi báo chí thống nhất mục tiêu, giải pháp, hành động tạo đồng thuận toàn xã hội để ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó thủ tướng đề nghị xác định rõ: Công việc này không phải riêng của Chính phủ. Chính phủ tìm giải pháp đồng bộ và điều hành; các doanh nghiệp tính toán chiến lược đầu tư, kinh doanh và xác định rõ không phải là thời cơ tăng giá bởi tăng giá sẽ thúc đẩy xu hướng nhập khẩu hàng hóa về mà phải giảm chi phí; toàn dân tiết kiệm chi tiêu, cùng chịu đựng khó khăn, thích nghi với hoàn cảnh mới trong một thời gian.

Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ gặp các tổng công ty 90 và 91 bàn về sản xuất, kinh doanh trong hoàn cảnh mới. Quan trọng hơn là cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố bàn về chỉ đạo, điều hành trong thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Sự kiên quyết, kiên trì trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đang đem lại niềm tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nước vào tương lai sáng sủa hơn trong thời gian tới. Có một phẩm chất luôn tỏa sáng khi gặp thiên tai, địch họa, khó khăn, gian khổ đến mấy đi nữa là: Chúng ta luôn đồng tâm, nhất tề đi lên, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Việt Ân