Theo phóng viên tại Washington, chiều 13-5 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư vào Mỹ năm 2025, ông Đặng Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế cùng một số thành viên đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính nước chủ nhà Rebecca Burch về một số nội dung, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ được ký ngày 7-7-2015 tại Washington. Sau khi ký, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục phê duyệt hiệu lực của Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau cải cách lớn về chính sách tại Mỹ, nước này vẫn chưa tiến hành thông qua, nên đến nay Hiệp định vẫn chưa có hiệu lực.
 |
Phó cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh (giữa) cùng các thành viên đoàn công tác của Bộ Tài chính tại buổi làm việc. |
Ngoài ra, do hiện nay các nước đang đàm phán về Trụ cột 1 và Trụ cột 2 trong khuôn khổ sáng kiến cải cách thuế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)/Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế (G20) về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) để tránh thuế của các công ty đa quốc gia, nên phía Mỹ đề nghị những nước đã ký hiệp định với mình tiến hành sửa đổi, bổ sung vào các hiệp định, trong đó có Việt Nam.
 |
Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Rebecca Burch tại buổi làm việc. |
Tại buổi trao đổi, phái đoàn hai nước đã làm rõ quan điểm, lập trường đối với dự thảo Nghị định thư do phía Mỹ đề xuất, để từ đó các cơ quan liên quan của hai nước sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Việc thông qua hiệp định thuế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích và bảo hộ các doanh nghiệp hai nước khi tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại nước kia.
Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài cung cấp, lũy kế đến ngày 30-4-2025, Mỹ hiện có 1.447 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 11,94 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó tập trung nhiều nhất vào các ngành dịch vụ lưu trú và ẩm thực; công nghiệp chế biến, chế tạo; cấp nước và xử lý chất thải; kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi…
Trong khi đó, Việt Nam có 252 dự án đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,36 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung nhiều vào các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo...
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
CNN ngày 12-5 đưa tin, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí giảm mạnh thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thời hạn ban đầu là 90 ngày. Thông báo này được đưa ra sau cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tuần qua.