Chúng ta từng xúc động, cảm phục, trân trọng khi đọc những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… Với tôi, thêm một lần nữa, trào dâng xúc động qua những lá thư, trang nhật ký và nhiều kỷ vật của người lính trong chiến tranh, những hiện vật sẽ được trưng bày trong “Thông điệp của quá khứ” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vào cuối tháng 3 này, nó như “thắp thêm lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tình yêu và những khát vọng...
Với khoảng thời gian không dài (năm 2006) chuẩn bị cho triển lãm “Thông điệp của quá khứ” gồm 3 phần chính: Trưng bày sưu tập trống đồng; Tổ hợp hiện vật về các đơn vị làm kinh tế với củng cố quốc phòng và những lá thư và kỷ vật của người lính trong chiến tranh, song bằng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên sưu tầm, nghiên cứu hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, rất nhiều hiện vật có ý nghĩa đã được phát hiện và sưu tầm để làm nên triển lãm.
Một phần trưng bày của triển lãm này được cán bộ, nhân viên Bảo tàng dồn rất nhiều tâm huyết: Những kỷ vật của người lính trong chiến tranh. Ở đó, không chỉ có những lá thư của các vị tướng như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Trung tướng Lê Quang Đạo… mà còn có nhiều lá thư của những người chiến sĩ, thanh niên xung phong, những người vợ, người mẹ chiến sĩ.
… Cha mẹ ạ. Đáng lẽ cứ đến những ngày Tết thì cha mẹ sẽ vui mừng, nhưng vì bọn đế quốc Mỹ đã đến giày xéo lên đất nước ta, chia cắt miền Nam - Bắc. Là một thanh niên dưới thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh, trước cảnh ngộ đó nên chúng con đã lên đường để đánh Mỹ giải phóng miền Nam giành lại độc lập cho đất nước. Đến lúc đó gia đình ta sẽ được đoàn tụ và chính những lúc ấy sẽ là những ngày Tết vui hơn, đẹp hơn cha mẹ ạ - Trích thư của Lê Trọng Tuyến, hộp thư 787 22ZC-B6 gửi Vũ Thị Mơ (xóm Hùng Tiến, thôn Lê Lợi, xã Đồng Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Mỗi lá thư, trang nhật ký, một hiện vật là một niềm tâm sự, ở đó có những đoạn kể về năm tháng chiến đấu ác liệt, sự hy sinh, mất mát… nhưng đầy lạc quan, yêu đời của những người lính. Có thư kể về hậu phương ra sức thi đua, tất cả cho tiền tuyến. Có thư gói gọn tình cảm trai gái đẹp như bài thơ, ở đó lấp lánh ánh sáng của niềm tin vào ngày mai tươi đẹp... Có những bức thư còn loang vết máu, ấm hơi thở những giây phút cuối cùng của người chiến sĩ đã vượt qua đạn bom, qua dãy Trường Sơn, muôn dặm đường xa về tới hậu phương và ngược lại… thì giờ đây chúng đang hiện diện như những chứng tích tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Ở đó, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi hòa cùng lý tưởng sống: “Xuyên em thân yêu! Nước nhà chưa được hoàn toàn độc lập, nhiệm vụ của anh, của em còn nặng nề, còn gặp và gặp nhiều khó khăn gian khổ lắm. Anh mong rằng, ngày mai rất gần thôi nước nhà hòa hợp, anh em mình mỗi đứa lập một chiến công đem về thì thật là hạnh phúc lắm!…” - Trích thư của Nguyễn Ngọc Bính (nhập ngũ ngày 22-2-1975, đóng ở Thạch Thành, Thanh Hóa) gửi cho người yêu Trần Thị Thanh Xuyên.
… Hôm đúng 2 năm xa em, xa các con, 29-7-1970 – 29-7-1972 - tối khuya trước khi đi ngủ, anh nằm nhớ lại hôm chia tay với gia đình - Nhớ lại hình ảnh của em bình tĩnh như thế nào – bé Mai hôn bố trước khi đi – anh quên mất hình như hôm đó buổi sớm bé Lương đi học nên không có mặt ở nhà lúc chia tay bố… - Đó là những tình cảm da diết, tình yêu tuyệt vời của cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền gửi vợ hiền Lương Ngọc Thư và hai con đang ở miền Bắc.
Còn nhiều bức thư, những trang nhật ký tha thiết, nồng nàn của những người lính viết về hậu phương, của hậu phương gửi ra tiền tuyến. Những trang giấy đã ố vàng theo năm tháng, có bức thư viết bằng hai ba thứ mực đến nay vẫn như có lửa, chứa đựng những khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của Tổ quốc, về hạnh phúc lứa đôi. Chúng được nâng niu, gìn giữ trân trọng như báu vật và hôm nay được gửi đến Bảo tàng như thông điệp của quá khứ.
Ở đó có những nỗi đau nghiệt ngã, khốc liệt. Mỗi con chữ làm trái tim người đọc hôm nay quặn thắt, như nhật ký của bà Lê Thị Riêng, nguyên Phó chủ tịch mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Cuốn nhật ký nhỏ, giấy đã ngả màu mà chất chứa trong đó biết bao nỗi đau, sức chịu đựng…
Một kỷ niệm đau xót
… Ngày 28 tháng 10 năm 1960, vợ chồng tôi chia tay nhau giữa khu quen thuộc ở miền Đông và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi vĩnh biệt nhau mãi mãi.
Chúng tôi đã nhiều lần hợp tan như thế nhưng chuyến đi này tôi cảm thấy quyến luyến xót xa vì mới xa con lại phải xa chồng…
… Mãi tới ngày 29 tháng 4 năm 1961, được các đồng chí cấp ủy mời đến. Câu nói đầu tiên của các anh mà tôi bắt buộc phải nghe, mãi đến nay, mỗi khi nhớ đến tôi còn thấm sợ: "Xin báo cáo chị một tin buồn, anh ấy đã hy sinh". Tôi phải nhắm mắt lại để tránh một sự thật đau thương, mong rằng tất cả những người đàn bà trên thế gian này, không ai phải nghe câu nói ấy đến với mình".
Bao nhiêu mong nhớ đợi chờ đành tắc ngẫm. Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào đau đớn sâu nặng như lần này.
Thôi hết rồi! Thâm tâm tôi đã biết như thế, nhưng tôi còn lãng vãng nuôi hy vọng bâng quơ, chồng tôi không chết thật. Không thể có một sự thật tàn nhẫn như thế đến với tôi, với con người đã chịu nhiều cô đơn từ thuở bé.
Nhưng kẻ thù đâu còn chút lương tri nào mà xót thương tình cảm của con người.
Sau những ngày hốt hoảng, tôi nghe các đồng chí thuật lại rằng: "Đêm 4 tháng 12 năm 1960, nhằm đêm rằm tháng 11 năm 1960, trên đường công tác, không may anh bị phục kích, chống cự đến viên đạn cuối cùng và cũng đêm ấy anh không bao giờ trở lại với vợ con".
Xóm mộ Đông Yên, xã Đông Hòa (Dĩ An) là nơi an nghỉ cuối cùng. Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn chưa tìm đến được nắm đất thân yêu, nơi chồng tôi gửi xác.
Bảy năm trời sống chung, từ ngày 3 tháng 5 năm 1954, đến tháng 4 năm 1960, bao tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ chùn bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly.
Ngày 4 tháng 12 năm 1962
Cũng qua những trang nhật ký, người đọc vô cùng cảm động khi đọc những dòng chữ nghiêng nghiêng, nét chữ run rẩy về một ước mơ giản dị nhưng vô cùng mãnh liệt của bà muốn được gặp hai con nhỏ của mình: Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất/Được gặp con, được ôm ấp vỗ về/Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ/Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả/Nhưng con hỡi nước non còn chia cắt/Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên/Bao gia đình tan nát điêu linh/Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử/Màu đen tối sẽ lùi về dĩ vãng/Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên/Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên/Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng/Cho Bắc Nam thống nhất/Cho đất nước hòa bình/Cho mọi người được no ấm quang vinh/Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.
Trang nhật ký đang viết dở, ước muốn đó chưa kịp thực hiện thì một lần trên đường đi công tác, bà Lê Thị Riêng bị địch bắt và chúng đã mang bà đi thủ tiêu một cách dã man vào đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968.
Còn đây là lời dặn dò trước khi nhắm mắt của liệt sĩ, chuẩn úy Lê Xuân Kình, đại đội phó, thuộc C27-D20 hy sinh trong trận đánh ở dốc Tha Má - đường 9 (nước bạn Lào) vào ngày 19-1-1967 được ghi bằng nét chữ nguệch ngoạc trên mảnh giấy vấy máu của chính liệt sĩ: “Các đồng chí cố gắng chiến đấu bám sát trận địa đến cùng để trả thù cho chúng tôi”. Lời nhắn nhủ cuối cùng của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội chiến đấu và chiến thắng và là lửa cho thế hệ trẻ hôm nay.
Thắp lửa cho thế hệ hôm nay
Tôi có may mắn được cán bộ, nhân viên làm công tác nghiên cứu và sưu tầm hiện vật của Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam kể lại nhiều câu chuyện cảm động xung quanh những hiện vật sắp được trưng bày tại triển lãm. Mỗi hiện vật bình dị nhưng ẩn chứa biết bao điều sâu nặng.
Đây là bộ chén đã cũ, bằng gốm xanh nhạt được vợ liệt sĩ Hà Văn Sen (bà Nguyễn Thị Tròn), xã Yên Mông, tỉnh Hòa Bình gìn giữ như báu vật gia đình gần 40 năm nay. Kỷ vật đánh dấu những ngày đầu của vợ chồng bà khi về với nhau và ra ở riêng. Bộ chén này ông dùng uống nước do chính tay bà pha, rồi ông nhập ngũ. Bộ ấm chén vẫn ngay ngắn trên bàn chờ ông về tiếp tục chén nước dở dang và bộ ấm chén mãi mãi dở dang như thế sau ngày 15-5-1972, để trái tim bà quặn thắt, những cơn quặn thắt đến giờ vẫn chưa có thuốc để chữa lành.
Chiếc khăn mùi xoa của người con gái miền Tây có tên thật đẹp Bạch Kim Lan (xã Thạch Quốc, huyện Cái Ngạc, tỉnh Vĩnh Long) như tín vật của tình yêu trao gửi chàng trai tên Đức (cùng quê) trước khi lên đường nhập ngũ. Chiếc khăn luôn được chàng trai nâng niu, gìn giữ, trân trọng đặt gần trái tim. Những dòng chữ “Mùa thi đua lập công/Anh tiền - tuyến/Em hậu – phương/Cùng một lòng…/Đồng – tâm, dành (theo bản gốc) thắng lợi” được thêu bằng chỉ đỏ đã ngót 60 năm vẫn thắm sắc đỏ hòa cùng những giọt máu của chính người chiến sĩ trong một trận đánh ở Vĩnh Long năm 1950. Kỷ vật nay vẫn còn đây mà người đã đi xa… song nó cùng với những kỷ vật khác tại “Thông điệp của quá khứ” đủ “thắp lửa” triệu triệu trái tim thế hệ hôm nay.
KIM ANH