Mang máy móc vượt suối để xây dựng trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa.

Năm 2007 có thể coi là năm bùng nổ thông tin di động của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (VIETTEL). Trong đó, hạ tầng di động đã được phát triển đến 100% số huyện với khoảng 7.000 trạm BTS, có tới 4 tuyến cáp quang chạy dọc ngang gần 30.000km, 17 hải đảo có sóng di động… Chiến lược của VIETTEL là phủ rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo-những nơi mà các doanh nghiệp viễn thông khác không muốn đầu tư.

Xây dựng các trạm BTS ở vùng sâu, vùng xa, không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng điện thoại di động của người dân, mà còn tạo điều kiện để điện thoại cố định không dây phát triển (với VIETTEL là dịch vụ HomePhone). Nhiều người lo ngại cho rằng đầu tư vào những xã miền núi nghèo, nơi mà người dân vẫn vất vả lo ăn từng bữa thì hiệu quả kinh tế không thể cao bằng đầu tư vào những thành phố lớn. Nhưng “những người Viettel” lại không nghĩ vậy. Với họ, có hạ tầng là sẽ có tất cả. Họ muốn vượt qua các thương hiệu khác bằng việc phủ sóng hạ tầng đến từng xã, thôn, bản làng trên cả nước. Ngoài mục đích về kinh tế thì mục đích phục vụ quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ quan trọng mà Tổng công ty Viễn thông Quân đội được giao phó.

VIETTEL là đơn vị đầu tiên xây dựng được mạng lưới di động ở xã miền núi Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang)-nơi địa đầu của Tổ quốc. Sóng di động của VIETTEL đã góp phần bảo đảm an ninh ở Lũng Cú thuận lợi hơn nhiều, nạn bắt cóc phụ nữ, trẻ em giảm hẳn. Đồn biên phòng Lũng Cú cũng như hầu hết các đồn biên phòng trên cả nước đã được phủ sóng điện thoại di động, công tác tuần tra, kiểm soát biên giới đỡ vất vả hơn.

Tôi còn nhớ mãi gương mặt đen sạm, hốc hác vì thiếu ngủ của hai kỹ sư trẻ Cao Văn Quang và Vương Xuân Kiên. Họ bôn ba khắp miền đất nước để xây dựng mạng lưới VIETTEL. Quang là Trưởng ban Quy hoạch, còn Kiên là Trưởng ban Giám sát thi công, đều của Trung tâm truyền dẫn khu vực 1.

Kiên say sưa kể về công việc của các anh khi xây dựng mạng lưới ở vùng sâu, vùng xa. Với anh, khó khăn nhất là khi thi công cột cho tuyến cáp quang chạy dọc sông Đà. “Một bên là sông, một bên là núi đá, chỉ có một con đường leo lắt ở giữa, mà theo quy định thì cột phải dựng cách mép đường 1,5 lần chiều dài thân cột. Rồi gặp nền đá cứng không thể dựng cột được… Nhiều lúc khó ngang đánh đố”. Nhưng theo Kiên thì thi công dù khó mấy vẫn tìm được cách khắc phục. Trở ngại lớn nhất vẫn là các giấy tờ, thủ tục cần phải hoàn thành để được phép xây dựng mạng lưới. “Nhớ nhất là lần xây dựng trục cáp quang Điện Biên-Lai Châu. Bởi tính quan trọng của đường trục này, nên Tổng công ty yêu cầu chúng tôi phải hoàn thành trong vòng chưa đầy 20 ngày, bất kể phải dựng bao nhiêu cột. Cầm tờ lệnh của Tổng công ty trong tay tôi run lắm. Bởi đường dây chạy qua mấy tỉnh, bao nhiêu việc phải làm… Nhưng lệnh đã đưa ra, dứt khoát phải được hoàn thành”. Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng, trục cáp quang Điện Biên-Lai Châu đã hoàn thành, giải quyết cơ bản việc vu hồi đảm bảo an toàn đường truyền cho các tỉnh phía bắc.

Cao Văn Quang thì nhớ nhất là khi “cứu” đường truyền trong cơn “đại hồng thủy” ở miền Trung những ngày tháng 10-2007. Lúc ấy, khắp nơi là biển nước mênh mông. Nhiều khi anh em phải chèo thuyền ra cột điện để nối đoạn cáp quang bị đứt. Trong suốt một tháng lũ, gần như ngày nào cáp cũng đứt, ngoài nguyên nhân thiên tai, còn do ý thức kém của một số người dân đã cắt cáp quang. Mỗi lần như vậy, tổ công tác của Quang gồm 9 người lại phải căng ra đi tìm chỗ đứt như “mò kim đáy bể”. “Quy định của Tổng công ty là mỗi khi xảy ra sự cố thì bằng mọi cách 3 giờ sau phải khắc phục xong. Nhiều lúc giữa đêm tối, mưa bão, với máy đo trong tay, anh em vẫn cố gắng lần mò để tìm ra điểm đứt, bởi giữ được cáp quang sẽ giúp cho việc thông tin, cứu trợ trong bão được bảo đảm”.

Trong lần tới một tuyến đảo xa của Tổ quốc, tôi rất bất ngờ vì ở đó cũng đã có sóng di động VIETTEL. Làn sóng điện quý giá ấy sẽ “kéo” những đảo xa về gần với đất liền hơn, khiến vùng biên giới bớt phần hẻo lánh, hiu quạnh, các chiến sĩ nơi tuyến đầu sẽ được “sưởi ấm” thường xuyên bởi giọng nói của người thân… Để có làn sóng điện ấy, bao con người VIETTEL đang ngày đêm lặng lẽ giữa chốn rừng sâu, núi cao để dựng xây, bảo vệ “huyết mạch” thông tin.

QUỲNH DƯƠNG