Sáng 24-9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Những địa phương nào được lựa chọn giám sát?

Tại phiên họp, báo cáo một số nội dung của kế hoạch này, được sự ủy quyền của Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, thành viên đoàn giám sát cho biết, kế hoạch giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. 

Đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Từ đó, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có và rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Nội dung giám sát gồm: Việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan); tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.

Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, ủy ban nhân dân cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2021, trong đó lưu ý đến những nội dung có tính chuyển tiếp, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, Đoàn giám sát dự kiến chia thành 3 đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc cử các tổ khảo sát tại các địa phương có những nội dung nổi bật trong phát triển năng lượng; dự kiến lựa chọn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi miền từ 3-5 tỉnh, thành phố do trưởng đoàn giám sát quyết định căn cứ tình hình thực tế, thời gian.

Qua nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề và các công trình, dự án liên quan trên địa bàn, đoàn giám sát dự kiến lựa chọn một số địa phương là nơi đặt các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, tổng kho xăng dầu, nhà máy xử lý khí, nhà máy nhiên liệu sinh học hoặc có dự án năng lượng lớn như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình (hoặc Hà Nam), Thanh Hóa, Lai Châu….

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn
 

6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng để tập trung giám sát

Theo đoàn giám sát, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo. Đó là:  

- Cung cầu và an ninh năng lượng: Khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: Tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch.

- Bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

- Khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng.

- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

- Một số nội dung khác như hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Góp ý tại phiên họp, nhấn mạnh đoàn giám sát cần xác định những việc trọng tâm để giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, trả lời cho câu hỏi có thiếu điện không, bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay thế nào...

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cuộc giám sát lần này cũng cần quan tâm đúng mức đến vấn đề chuyển đổi năng lượng gắn với biến đổi khí hậu, chính sách phát triển năng lượng trong đó có huy động, sử dụng các nguồn lực FDI, thành phần kinh tế tư nhân...

THẢO PHƯƠNG