Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào ngày 15-8 tới đây.

Sẽ có Nghị quyết của Chính phủ về ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm

Trong các nhóm vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo có nội dung đáng chú ý là về giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có nhiều quy định mới với mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.

Về công tác này, một điểm nổi bật được báo cáo của Bộ Tư pháp đưa ra là Bộ đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Dự thảo nghị quyết này hiện đã được hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ xem xét thông qua.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ có Nghị quyết của Chính phủ về ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Ảnh: VPQH 

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng tham gia phổ biến, tuyên truyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị tuân thủ nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các hoạt động tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thể chế.

Đổi mới cách thức trong xây dựng luật, pháp lệnh

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng giải trình về giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các bộ, ngành, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi chương trình.

Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được thông qua với tỷ lệ cao.

Đánh giá chung, Bộ Tư pháp khẳng định, công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm, cơ bản bảo đảm quy trình, thủ tục, hồ sơ và chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội về quan điểm xây dựng thể chế, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...

PHƯƠNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.