Hành trang mà cựu chiến binh Phạm Văn Yết ở khối Bạch Đằng, phường Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Tây) mang theo khi bước vào “sân chơi” WTO là 32 mẫu ruộng và một ước mơ táo bạo: mở công ty chuyên kinh doanh làm ruộng. Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phạm Văn Yết là chân dung tiêu biểu cho một "lão nông" thời hội nhập.
Người nhiều ruộng nhất miền Bắc?
Để tìm gặp được ông, tôi phải đi khắp cánh đồng Vạn Phúc. Khi tôi hỏi thăm, ai cũng nói cứ ra đồng là gặp được ông. Sau một hồi lang thang, tôi cũng tìm được "ông vua ruộng" của miền Bắc đang bận bịu với chiếc máy cày. Chiếc áo rằn ri phai bạc lấm lem dầu mỡ. "Đánh vật hơn nửa ngày tôi mới tìm ra bệnh của nó" - ông phân trần.
Với ông, thú vui duy nhất là được gắn bó với ruộng đồng. Chẳng thế mà, có những lúc mải mê, ông quên về ăn cơm, vợ ông phải mang cơm ra tận ngoài đồng. Tuy nhiên, trước khi đến với nghiệp ruộng đồng ông cũng có thời gian buôn bán ngược xuôi khắp nơi. Năm 1982, khi xuất ngũ, ông chuyên bán gạo, rượu, lụa... Nhưng chỉ một thời gian ngắn ông nhận ra rằng: “Không có nghề gì tốt hơn là làm cái anh nông dân tự do”. Gia đình ông 5 đời làm ruộng. Cha ông cũng chỉ nhờ ruộng đồng mà nuôi anh em ông khôn lớn. Năm 1985, nghề dệt lụa của quê hương bắt đầu được khôi phục. Thu nhập từ nghề truyền thống khá cao khiến không ít gia đình bỏ ruộng. Mỗi lần ra đồng ông lại cảm thấy xót xa bởi những mảnh ruộng vốn đã gắn bó với con người quê hương ông hàng nghìn năm, nay bị bỏ hoang, lau sậy mọc lút đầu người. Vậy là ý tưởng xin ruộng để mở rộng diện tích được ông thực hiện.
 |
Phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng thôn Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội (ảnh Phúc Thắng) |
Năm 1990, ông kiến nghị lên Hợp tác xã Vạn Phúc nhận thầu các khu ruộng bị bỏ hoang. Ý tưởng của ông được lãnh đạo hợp tác xã tán thành. Họ ủng hộ bằng cách giúp ông không phải trả thủy lợi phí, chỉ mất tiền thuê ruộng. Những năm đó, hễ thấy nhà ai bỏ ruộng, ông đều đến gặp và xin được thuê lại. “Góp gió thành bão. Số ruộng mà tôi nhận đến năm 1994 đã lên tới 10 mẫu”- ông khoe.
Tuy nhiên, hai vợ chồng ông không thể "kham" nổi số ruộng lớn như thế nên đành thuê người làm. Vậy là mỗi vụ, trừ tiền cày bừa, tiền mướn cấy, gặt, nhặt cỏ... vợ chồng ông chẳng thu được gì, thậm chí, có những vụ do mất mùa còn lỗ tới 5-7 triệu đồng. “Xót của, tiếc công, tôi bắt đầu tìm hiểu cách làm nông nghiệp ở các nước trên thế giới” - ông Yết cho biết.
Qua ti vi, ông thấy nước ngoài làm nông nghiệp hoàn toàn khác với Việt Nam. Mỗi nông dân cũng có thể quản lý hàng chục mẫu ruộng mà vẫn nhàn trong khi thu nhập rất cao. Năm 2000, ông bàn với vợ bán 80m2 đất được 60 triệu đồng để đầu tư 2 máy phay đất, 2 máy tuốt lúa, một máy cày bừa và một máy bơm nước. Vậy là, ông trở thành người tiên phong trong làng ngoài xã cơ khí hóa đồng ruộng. Có lẽ vì lý do đó mà, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã chọn ruộng của ông để trình diễn thử nghiệm máy cấy lúa 8 hàng đầu tiên. Bắt đầu từ đây, việc làm ăn của gia đình ông ngày càng thuận buồm xuôi gió. Toàn bộ ruộng đồng của gia đình đều được cơ khí hóa. Nhờ đó, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng từ cấy lúa, chưa kể tiền thu từ hoa màu. Thấy làm ăn hiệu quả, ông bàn với vợ con tiếp tục thuê ruộng, nếu cần có thể “mua”. Đến nay, ông đã có tới 32 mẫu ruộng. Ông được mọi người coi là "người nhiều ruộng nhất miền Bắc".
Phải kinh doanh nghề làm ruộng
Với ông, làm nông nghiệp có cái thú là được tự do nhưng muốn thành công thì phải chịu khó. "Làm ruộng cũng là một bài toán kinh tế mà anh phải giải tốt thì mới mong có lãi", ông ví von. Theo tính toán của ông, nếu làm thủ công sẽ mất đứt 147kg thóc/sào để trả tiền thủy lợi phí, thuê nhân công... trong khi sử dụng cơ khí ông chỉ phải bỏ ra 68kg/sào. Vụ chiêm, năng suất có thể đạt tới 210kg thóc/sào, mỗi vụ ông thu được 60 tấn thóc tương đương khoảng 70 triệu đồng. Vụ mùa, năng suất chỉ khoảng 170kg/sào, chi phí lại nhiều hơn nên ông chỉ thu được 20 triệu đồng.
“Làm ruộng mà không sử dụng máy móc thì sẽ không có lãi. Đó cũng là câu trả lời tại sao cha ông ta quanh năm làm ruộng mà vẫn không đủ ăn, thậm chí là nghèo đói”- ông phân tích. Hiện nay, ông có trong tay một "hệ thống" phương tiện cơ khí "hùng hậu" gồm 2 máy gặt đập, 2 máy tuốt lúa, 2 máy phay đất và một máy cấy 8 hàng. Không chỉ giỏi làm ruộng, ông còn là một tay thợ sửa chữa máy móc thuộc hạng siêu. "Chỉ cần nhìn là tôi đã bắt được bệnh của máy"- ông khoe. Chị Bạch Thị Thanh, một người có ruộng gần nhà ông cho biết: "Ông này giỏi lắm. Chẳng thế mà làm ruộng lãi cả trăm triệu đồng. Mỗi lần máy tuốt lúa hỏng, tôi đều phải nhờ đến ông ấy”.
Ông luôn đặt câu hỏi, tại sao làm ruộng lại không thể trở thành một ngành nghề kinh doanh. Và hiện nay, ông đang có ý định mở một công ty làm ruộng. Công ty này do ông làm giám đốc, chuyên sửa chữa các loại máy móc; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong vấn đề giống, thuốc bảo vệ thực vật... Ngoài ra, công ty cũng sẽ cung cấp một "đội quân" chuyên làm ruộng, sẵn sàng thực hiện đầy đủ các công đoạn của quy trình sản xuất từ gieo mạ, cày bừa, đến cấy và thu hoạch lúa.
“Bằng kinh nghiệm, tôi khẳng định rằng, khi công ty này được lập ra sẽ giúp nông dân làm giàu bằng ruộng, tránh tình trạng ngày càng có nhiều người để hoang hóa ruộng đất”- ông Yết nói.
Thúy Nga