Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật hiện đề xuất 2 phương án.

Rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng vô cùng day dứt hiện nay

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu thực trạng, rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến bảo đảm an sinh xã hội lâu dài của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu thực trạng, rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng vô cùng day dứt hiện nay.

Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng trong những năm qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có xu hướng giảm. Đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân; đặc biệt những trường hợp cần rút bảo hiểm xã hội một lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế, vì vậy sẽ rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Để hạn chế tình trạng này, theo đại biểu, các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh: Đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó là quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần.

Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định, sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút bảo hiểm xã hội một lần. "Theo tôi, đối với nội dung này cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu

Cũng chia sẻ băn khoăn về các phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần và phản ứng của người dân, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình.

"Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc vào người thân, gia đình khi về già. Vì thế, nhà nước cần có một giải pháp để bảo đảm và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa cho tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội", đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động về vấn đề này. 

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động.

Không đồng tình với phương án nào mà dự thảo luật đưa ra về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, người lao động và chủ yếu lao động thất nghiệp, lao động làm công nhân là chủ yếu nên lương rất thấp, họ lĩnh bảo hiểm không được bao nhiêu, nếu lĩnh chỉ có 50% cũng không đáng kể, không có tiền để xoay sở cho cuộc sống sinh hoạt.

Do đó, đại biểu nêu quan điểm, người đóng bảo hiểm thì được quyền rút nhưng phần tiền của người sử dụng lao động đóng là phải giữ lại để kích thích người lao động duy trì tiếp tục đóng bảo hiểm.

"Tôi rất muốn người lao động giữ lại sổ bảo hiểm của mình để khi tới tuổi nghỉ hưu có lương hưu, để bớt gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, tình hình thực tiễn của Việt Nam khác với một số gia trên thế giới, cho nên tùy tình hình thực tiễn mà mình phải áp dụng làm sao cho phù hợp và bảo đảm theo yêu cầu, đạt được hiệu quả cao hơn", đại biểu nói.

 

Giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Đó là, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội là vẫn có quyền được rút bảo hiểm xã hội; đồng thời, phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, bảo đảm cuộc sống.

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.